Cuối tháng 12-2016, chính phủ Obama tịch thu hai khu nhà ngoại giao của Nga ở New York và Maryland, trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga nhằm trả đũa can thiệp bầu cử Mỹ. Quyết định này của chính phủ Mỹ tiền nhiệm đã để lại cho chính phủ Tổng thống Donald Trump bài toán ngoại giao hóc búa.
Giới lãnh đạo Nga cứng rắn
Nga cho đến nay vẫn chưa có động thái trả đũa vì muốn quan sát thêm thái độ của chính phủ mới tại Washington. Thế nhưng từ đầu tháng này, đặc biệt sau cuộc gặp song phương giữa ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đức ngày 7-7, Moscow đã bắt đầu gia tăng áp lực đòi Mỹ trả lại hai khu nhà ngoại giao.
Theo Itar Tass, Tổng thống Putin đã chủ động nhắc đến vấn đề này tại cuộc gặp nhưng ông Trump đáp lại rằng “không có kế hoạch giải quyết khủng hoảng”. Đây có vẻ là giọt nước tràn ly. Tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov tuyên bố Moscow đã hết kiên nhẫn về vấn đề này, Nga có thể trả đũa bằng cách gây khó cho hoạt động của đại sứ quán Mỹ ở Moscow.
Ngày 14-7, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng cảnh cáo sẽ trả đũa bằng cách trục xuất nhà ngoại giao Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 17-7 cũng tức giận cảnh cáo sẽ xem Mỹ là “cướp giữa ban ngày” nếu Mỹ dám đặt điều kiện để trả lại hai khu nhà ngoại giao cho Nga.
Bài toán về vị thế
Ngày 17-7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon và người đồng cấp phía Nga Sergey Ryabkov đã có cuộc gặp kéo dài hai tiếng rưỡi. Chuyện hai khu nhà ngoại giao bị Mỹ tịch thu là một trong những vấn đề chính được đề cập. Có thể thấy trong khi giới lãnh đạo cấp cao của Nga đã lên tiếng về vấn đề “trả đũa ngoại giao”, phía Mỹ vẫn duy trì vấn đề này ở cấp thứ trưởng giải quyết.
Trang tin Vzglyad (Nga) nhận định sự chênh lệch về cấp bậc này cho thấy Mỹ một mặt muốn khẳng định thế “kẻ mạnh” trong quan hệ với Nga, mặt khác cố tình muốn giảm tầm nghiêm trọng của vụ mâu thuẫn này trong quan hệ song phương.
Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ Mỹ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ không đồng ý trao trả dễ dàng hai khu phức hợp ngoại giao cho Nga. Sự cương quyết không trả hai khu nhà ngoại giao cho thấy Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận các biện pháp trả đũa từ Nga bất cứ lúc nào.
Ngược lại, việc Nga trả đũa trục xuất nhà ngoại giao Mỹ và tịch thu tài sản ngoại giao của Mỹ mặt khác cũng giúp Nga duy trì được vị thế. Điều đáng chú ý là các chỉ trích của Moscow cũng không nhắm đến ông Trump mà chỉ dừng lại ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Không chỉ vậy, dù cảnh cáo sẽ trả đũa ngoại giao Mỹ nhưng Nga cũng không quên để ngỏ khả năng khôi phục đối thoại thường xuyên với Mỹ nếu như vấn đề được giải quyết thỏa đáng.
Khu nhà ngoại giao Nga ở Maryland rộng hơn 18 ha, được lập từ thời Chiến tranh lạnh là nơi thư giãn, tập thể thao cho các nhà ngoại giao Nga với các hoạt động như đánh tennis, bơi. Khu nhà ở New York có 49 phòng, được cây cối bao quanh dày đặc.
Chính phủ Obama cáo buộc Nga sử dụng hai khu nhà này để tổ chức nghe lén, thu thập thông tin tình báo chống lại Mỹ. Nga cho rằng hai khu nhà này có quyền miễn trừ ngoại giao, chỉ trích Mỹ vi phạm Hiệp ước Vienna 1961 về quan hệ ngoại giao.
---
30 là số nhà ngoại giao Mỹ mà Nga đang có kế hoạch sẽ trục xuất nhằm trả đũa việc Mỹ trục xuất nhà ngoại giao và tịch thu tài sản Nga trên đất Mỹ.