Sự bùng nổ của các clip trên kênh TikTok Lê Tuấn Khang với cụm từ khóa " đám giỗ bên cồn " khiến nhiều người dân ở các vùng miền tò mò muốn tìm hiểu về đám giỗ miền Tây và sự khác biệt của nó với đám giỗ ở các địa phương khác. Nhiều người mong muốn đến vùng đất này để được một lần trải nghiệm.
Đám giỗ miền Tây có gì đặc biệt?
Báo Lao Động dẫn lời bà Phan Kim Ngân, người sống lâu năm ở cồn Sơn (quận Bình Thủy, Cần Thơ) cho biết đám giỗ ở cồn tương tự đám giỗ ở nhiều nơi khác thuộc miền Tây. Con cháu trong nhà thường về trước một ngày, cùng nhau gói bánh tét, bánh ít. Vào buổi chiều, họ cùng hàng xóm thân thiết dùng bữa với những món quen thuộc như cá kho, vịt kho gừng, canh hầm khổ qua... rồi quây quần cả tối để ca hát. Đàn ông thì nhậu lai rai, phụ nữ thì bàn bạc về cỗ bàn hôm sau và tâm sự chuyện gia đình.
Sáng hôm sau (ngày chính giỗ), gia chủ soạn mâm cúng gồm các món cầu kỳ hơn như thịt kho hột vịt, cù lao, bánh tét, bánh ít, cà ri, các món xào... Sau khi dùng cơm, bà con chòm xóm sẽ giúp gia chủ rửa chén đĩa, dọn dẹp sạch sẽ và trò chuyện, đến trưa hoặc xế chiều mới về. Cũng theo bà Ngân, cái vui của đám giỗ miền Tây là dù gia chủ không mời thì bà con thân thuộc cũng nhớ ngày rồi tự đến, ai nấy đều xắn tay phụ giúp. Nếu mời 5 mâm khách, gia đình có đám giỗ thường làm đồ ăn đủ cho 7 - 8 mâm để khách mang về ăn chiều, ăn tối.
Nhiều người dân miền Tây cho biết, trong 2 ngày làm đám giỗ, ngày đầu tiên gọi là cúng tiên thường (cúng cáo giỗ, tiến hàng trước ngày giỗ chính thức, là nghi lễ mời người đã khuất về hưởng vào hôm sau, đồng thời xin phép Thổ công cho vong linh và gia tiên nội ngoại về hưởng). Lễ tiên thường được áp dụng đối với những ngày giỗ trọng, tức giỗ người ở vai trên hoặc bằng vai với chủ gia đình.
Buổi cúng tiên thường cũng có mặt một số bà con thân thiết, họ cũng giúp đỡ chuẩn bị cho mâm cỗ vào hôm sau. Ngày thứ hai gọi là là chính kỵ, gia chủ sẽ mời nhiều khách hơn và bày biện các mâm cỗ thịnh soạn. Hiện tại, nhiều gia đình làm gộp trong một ngày cho thuận tiện và đơn giản hơn, phù hợp với nhịp sống bận rộn.
Một trong những điểm đặc biệt nhất của đám giỗ miền Tây là sự đa dạng và phong phú của các món ăn. Miền Tây với hệ thống sông ngòi chằng chịt và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nên nguồn ẩm thực rất phong phú. Đám giỗ ở miền Tây rất linh đình và chu đáo. Với tâm thành và tấm lòng chu đáo của mình, người dân sẽ chuẩn bị đám giỗ rất lâu, thậm chí trước cả tháng.
Những món ăn tại đám giỗ miền Tây thường bao gồm cá, tôm, cua, ốc và cả những loại rau quả tươi ngon đặc trưng của vùng. Các món như lẩu mắm, cá kho tộ, bánh xèo, và gỏi cuốn luôn là những lựa chọn quen thuộc, mang đậm hương vị sông nước và sự chân chất của người miền Tây.
Ở miền Tây, đám giỗ không chỉ là dịp tưởng nhớ người đã khuất mà còn là cơ hội để thể hiện tinh thần cộng đồng. Nhiều gia đình làm nhiều mâm cỗ, mời hầu hết bà con hàng xóm và bạn bè thân thiết, tạo nên một cuộc tụ họp ấm cúng, vui vẻ, đầy tình làng nghĩa xóm. Thay vì đặt cỗ, đám giỗ miền Tây thường do mọi người chung tay chuẩn bị, tạo nên không khí rộn ràng, tràn ngập tiếng cười.
Một trong những nét đặc sắc khác của đám giỗ miền Tây là các hoạt động văn nghệ rất sôi nổi. Sau phần nghi lễ, mọi người thường cùng nhau hát hò, ca cải lương, vọng cổ.
Các video của TikToker Lê Tuấn Khang thường nhắc đến chuyện thuê gánh hát cho đám giỗ. Lời bài hát "Đám giỗ bên cồn" do Lê Tuấn Khang viết đã thành câu hát quen thuộc trong các đọan video: "Bên cồn sao đám giỗ hoài vậy? Đám giỗ bình dân nhưng bên cồn thuê gánh hát. Đám giỗ chịu chơi ghê"...
Đám giỗ miền Tây, với những nét bản sắc riêng biệt, không đơn thuần là một ngày giỗ kỵ mà hơn thế, là một sự kiện kết nối cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết và gìn giữ bản sắc văn hóa của vùng quê sông nước Nam Bộ.