Chiều 21/10, bên hành lang Quốc hội, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có những chia sẻ, trải lòng với báo chí trước sự hy sinh của 33 cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn mưa lũ tại các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, trong số 13 cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), có 11 chiến sĩ trong quân đội.
Sau sự việc, theo đề nghị của Quảng Trị, Bộ Quốc phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Khi hành quân tìm kiếm, do trời tối, cán bộ đã dừng nghỉ ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thì bị núi lở khiến 22 quân nhân hy sinh.
22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã được Chủ tịch nước truy tặng huân chương; truy thăng quân hàm. Với vợ con các quân nhân hy sinh, nếu họ chưa có việc làm, Bộ Quốc phòng sẽ bố trí công việc.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị, nếu trường hợp yêu cầu của gia đình mà không phù hợp ngành nghề ở Bộ Quốc phòng thì Thủ tướng giao các Bộ, ngành tạo điều kiện bố trí cho gia đình các quân nhân, liệt sĩ hy sinh.
Trả lời câu hỏi, Bộ Quốc phòng có chỉ đạo gì nhằm phòng ngừa các sự việc xảy ra đối với chiến sĩ quân đội, đóng quân, làm nhiệm vụ ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi gặp thiên tai, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, 'những nơi khó khăn nhất quân đội phải có mặt'.
Ông nói, các cán bộ, chiến sĩ đóng ở Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 là vùng đặc biệt khó khăn, nơi đây vẫn chịu hệ quả sau chiến tranh, chất độc hóa học nhiễm độc rất lớn. Nhưng cán bộ, chiến sĩ ấy vẫn chấp nhận khó khăn, hiểm nguy dù có thể ảnh hưởng tới mình sau này.
"Những nơi khó khăn thì quân đội phải có mặt. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng cùng với lực lượng biên phòng, trấn ải các vị trí tạo thành phên dậu đất nước và tổ chức đưa dân lên.
Các trường hợp thiên tai như vậy là vượt quá khả năng con người dự báo. Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị về việc căn cứ tình hình, giao chỉ huy các đơn vị tổ chức sơ tán bộ đội, đảm bảo an toàn cho mình ở những vùng nguy hiểm.
Đồng thời, trong điều kiện địa phương, nhân dân yêu cầu thì sẵn sàng hy sinh bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Về ý kiến của Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng dùng trực thăng cứu hộ nhiều hơn, cứu hộ nhanh hơn cho nhân dân vùng lũ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay, trong điều kiện phương tiện hiện nay, trừ trường hợp không thể tổ chức cho người, phương tiện bình thường được thì phải huy động lực lượng trực thăng nhằm tiếp tế lương thực cho các vùng và nhân dân bị cô lập do bão lũ.
"Hiện nay Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, máy bay trực thăng ở Đà Nẵng, một số chiếc đã ra Phú Bài.
Vừa qua, nếu như Quảng Trị có yêu cầu, thời tiết tốt thì máy bay mới bay được để đảm bảo an toàn cho anh em.
Thậm chí, có ý kiến đề nghị chuyển các liệt sĩ hy sinh về nhưng do khai thông được đường nên không cần dùng trực thăng. Ở phía Bắc cũng có lực lượng ở Gia Lâm sẵn sàng được huy động để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ nhân dân", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói thêm.