Đài trung ương TQ nói gì về cáo buộc nghĩa trang người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị phá hủy?

PV |

Đài truyền hình Trung Quốc mới đây công bố phóng sự nhằm phản bác báo cáo của đài CNN (Mỹ), nói rằng giới chức Trung Quốc đã phá hủy 100 khu mộ của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

CNN: 100 nghĩa trang người Duy Ngô Nhĩ bị phá

Báo cáo ngày 3/1 của CNN dẫn thông tin từ nhà thơ Duy Ngô Nhĩ Aziz Isa Elkun, người đã rời khỏi quê nhà từ hơn 20 năm trước và hiện sinh sống tại London. Theo đó, phần mộ của Elkun cùng khoảng 100 ngôi mộ của người Duy Ngô Nhĩ đã bị chính quyền khu tự trị Tân Cương phá hủy, và cáo buộc đây là hành động của chính phủ Trung Quốc nhằm xóa bỏ bản sắc văn hóa của dân tộc này.

Elkun cho biết ông không được hoan nghênh tại Trung Quốc và không thể gọi điện thoại cho mẹ mình. Khi cha Elkun qua đời vào năm 2017, ông không thể trở về Trung Quốc để dự tang lễ và chỉ có cách nhìn mộ phần của cha mình trên ứng dụng Google Earth.

"Tôi biết chính xác ngôi mộ ở đâu," Elkun nói với CNN. "Khi tôi còn nhỏ chúng tôi hay đến đó, cầu nguyện ở nhà thờ, thăm hỏi họ hàng. Cả cộng đồng đều có liên hệ với nghĩa trang này."

Elkun "viếng" cha mình theo cách này trong gần hai năm, nhưng khẳng định tình hình đã thay đổi vào tháng 6/2019, khi hình ảnh vệ tinh của Google được cập nhật và khu nghĩa trang có phần mộ của cha ông chỉ còn là một bãi đất trống.

"Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra," Elkun nói. "Tôi hoàn toàn bị sốc."

Đài trung ương TQ nói gì về cáo buộc nghĩa trang người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị phá hủy? - Ảnh 1.

Hình ảnh nghĩa trang ở huyện Xayar, Tân Cương, năm 2019 do CNN đăng tải. Địa điểm này trước đó được Aziz Isa Elkun khẳng định là một nghĩa trang có nhiều ngôi mộ, bao gồm mộ của cha ông (Ảnh: CNN)

Đài Trung Quốc: Các ngôi mộ được di dời tới nơi tốt hơn

Trong khi đó, kênh CGTN - thuộc Đài phát thanh truyền hình trung ương Trung Quốc (CMG), nói rằng họ đã tìm đến nhà của Elkun tại huyện Xayar, vùng Aksu, Tân Cương và có cuộc gặp với bà Hepizem Nizamidin, mẹ của nhà thơ người Duy Ngô Nhĩ, và em gái Hvrlem Eysa.

Hepizem nói bà đã không gặp lại Elkun từ sau tháng 2/2017, khi ông này về nhà một thời gian để chăm sóc người cha bị bệnh. Ông Eysa Abdula qua đời vào tháng 11 cùng năm do đau tim.

Theo bà Hepizem, mộ của ông Abdula hiện nằm cạnh các ngôi mộ của cha mẹ và anh em của ông. Phần mộ này nằm trong một khu nghĩa trang có hàng nghìn ngôi mộ. Hepizem cho hay bà di dời di hài của chồng tới đây từ khu mộ ban đầu nằm cách đó gần 100m, trong một khu đất cũ nhiều gò mộ không dấu.

Đài trung ương TQ nói gì về cáo buộc nghĩa trang người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị phá hủy? - Ảnh 2.

Mẹ và em gái của Elkun xuất hiện trong phóng sự của CGTN, bên cạnh phần mộ được cho là ngôi mộ mới của cha ông, di dời tới đây từ tháng 12/2018 (Ảnh: CGTN)

Đài Trung Quốc cũng cho rằng vị trí được cho là quần thể mộ bằng đất trong hình ảnh vệ tinh mà CNN đăng tải trên thực tế là địa danh mộ cổ dành do du khách tham quan tại Xayar - một hạng mục văn hóa được bảo vệ cấp khu tự trị.

Theo CGTN, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại Tân Cương thường mai táng người thân qua đời trong các ngôi mộ bằng đất, bao gồm cha của Elkun. Tuy nhiên, bà Hepizem nói các phần mộ bằng đất dễ bị phá hỏng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và động vật hoang dã. Nhiều người dân trong vùng gặp phải vấn đề này, trong đó có trường hợp thất lạc phần mộ.

CGTN khẳng định chính quyền Tân Cương đã dành hơn 10 năm để trưng cầu dân ý về những phàn nàn của cư dân liên quan đến vấn đề bảo vệ nghĩa trang, và đưa ra phương án xây dựng các nghĩa sang sinh thái mới để phục vụ di dời các ngôi mộ bằng đất.

Đài trung ương TQ nói gì về cáo buộc nghĩa trang người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị phá hủy? - Ảnh 3.

Hình ảnh do phóng viên CGTN ghi lại, được cho là địa điểm các ngôi mộ bằng đất cũ ở Xayar đã được di dời (Ảnh: CGTN)

Nhà chức trách Trung Quốc đã hứng nhiều công kích từ các quan chức cấp cao của Mỹ trong nhiều tháng qua. Bộ ngoại giao Mỹ cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã ép buộc 2 triệu người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi - gồm người Duy Ngô Nhĩ - phải vào các trại cải huấn từ năm 2017.

Trong khi đó, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc liên quan đến vi phạm quyền con người. Phía Trung Quốc khẳng định các trại cải huấn mà Mỹ đề cập thực tế là những trung tâm đào tạo nghề tự nguyện, được thiết kế để giúp học viên phát triển các kỹ năng ngành nghề và ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan có thể dẫn đến các vụ tấn công khủng bố. Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh các biện pháp của chính phủ được người dân Tân Cương ủng hộ "để chống chủ nghĩa khủng bố và duy trì trật tự".

Trong báo cáo ngày 3/1, CNN dẫn một phần thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói về vấn đề di dời phần mộ của người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng nhà chức trách ở Tân Cương "hoàn toàn tôn trọng và bảo đảm tự do của tất cả các nhóm thiểu số trong việc chọn lựa nghĩa trang, hình thức mai táng và chôn cất."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại