Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) mới đây đã đăng tải nhận định trên của Đới Húc - Đại tá, Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược Đại học Quốc phòng.
Nhân vật thuộc phái diều hâu này đã nêu ra bốn lý do ràng buộc khiến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phải loay hoay xử lý nếu muốn đối đầu Nga - Trung Quốc.
Quan niệm chính trị truyền thống
Theo Đới, vì Donald Trump là người thuộc đảng Cộng hòa nên Tổng thống đắc cử Mỹ về căn bản không thể đi ngược lại những quan niệm chính trị mang tư tưởng bảo thủ của đảng này.
Do đó, Trump càng không thể không để ý đến xu thế chung của thế giới mà một mình "tự tung tự tác".
Đới cho hay, đảng Cộng hòa luôn được biết đến với tư tưởng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhưng họ lại cũng rất thực tế, mà hai cựu Tổng thống Richard Nixon và George W. Bush là minh chứng cụ thể nhất.
Donald Trump đã giành 304/538 phiếu đại cử để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ảnh: Reuters
Hai Tổng thống này sau khi lên nhậm chức đều "mở rộng" quan hệ với Trung Quốc. Nixon thì bắt tay với Bắc Kinh để đối phó Liên Xô, Bush lại cùng chung tư tưởng chống khủng bố với Trung Nam Hải.
"Hiện nay Trump đã thể hiện phương diện "mạnh mẽ đối đầu Trung Quốc" nhưng rất nhanh ông ấy sẽ nhìn rõ xu hướng của thế giới, càng nhận ra một Trung Quốc thực sự", Đới bình luận.
Lợi ích của nước Mỹ
Đới nhận định, trở thành Tổng thống Mỹ, Trump cần phải đi theo chiến lược toàn cầu và lợi ích của nước Mỹ.
Trong khi hiện nay Mỹ là cường quốc duy nhất trên thế giới, có quyền chi phối các nguồn tài nguyên, chiến lược trên toàn cầu.
Đới nêu một số ví dụ mà ông ta cho rằng đều là biểu hiện cho thấy các Tổng thống Mỹ nỗ lực để thúc đẩy chiến lược toàn cầu của Mỹ, như việc cựu Tổng thống Ronald Reagan "ly gián" Liên Xô với Đông Âu hay Tổng thống đương nhiệm Barack Obama can dự vào các cuộc "cách mạng sắc màu" tại Trung Đông.
Nên theo Đới Húc, ngay sau khi đắc cử dù Trump tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng đồng thời ông mạnh mẽ công kích Trung Quốc.
Hay xu hướng "thân Nga" của Tổng thống đắc cử Mỹ, không phải là sự thân thiết đúng nghĩa mà đó chỉ là một sự điều chỉnh chiến lược trong chính sách quân sự của Obama.
Tập đoàn tài phiệt
Tổng thống đắc cử Trump vốn được các tập đoàn tài phiệt ủng hộ nên không thể tránh khỏi việc ông phải quan tâm đến lợi ích của các tập đoàn này.
Đới đánh giá, do Mỹ là một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản nên có thể hình dung nước Mỹ giống như một công ty lớn, toàn thể người dân Mỹ sẽ là các cổ đông, chính phủ Mỹ giống như đội ngũ quản lý công ty.
Tranh cử Tổng thống Mỹ giống như việc công ty cổ phần lựa chọn Tổng giám đốc, các đại cổ đông nằm trong Hội đồng quản trị chính là các tập đoàn khác nhau của nước Mỹ.
Cùng với việc thành lập hệ thống tổ chức nhà nước Mỹ, tập đoàn tài phiệt lớn càng có ảnh hưởng rõ rệt và có tính quyết định đến quá trình tranh cử.
"Sự ủng hộ của các tập đoàn khác nhau hiển nhiên sẽ được thể hiện bằng các chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống đại diện. Ví như, tập đoàn công nghiệp quân sự và dầu khí ủng hộ George W. Bush nên sau khi lên nắm quyền, ông đã "khai chiến" Trung Đông", Đới Húc viết.
Theo giới quan sát, Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để thực hiện tuyên bố "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ảnh: Reuters
Đồng thời, Đới cho rằng, phía sau Trump còn có rất nhiều các Chủ tịch Hội đồng quản trị nên chính phủ của Trump trước tiên phải phục vụ cho lợi ích của những tập đoàn này.
"Cách ông ấy [Trump] tuyên bố: 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại' hoặc chỉ là một sản phẩm phụ hoặc cũng chỉ là một câu khẩu hiệu", Đới nói.
Ý dân
Đới cho rằng, là "Tổng giám đốc của công ty lớn" nên Trump còn cần phải dựa theo ý kiến của toàn thể các "cổ đông và "Hội đồng giám sát" để thi hành quyền lực.
Nhưng hiện nay Trump lại chưa nhận được ủng hộ hoàn toàn từ đội ngũ "cổ đông" quan trọng nhất nên ông cần phải sắp xếp ổn thỏa, ưu tiên vấn đề đối nội trong các tranh luận.
Bên cạnh đó, Đới cho hay, do bộ phận cử tri Mỹ muốn khôi phục nền kinh tế nước này nên doanh nhân Donald Trump đã trở thành sự lựa chọn hợp lý của họ trong cuộc bầu cử vừa qua.
"Chính ý dân này đã quyết định đến việc Trump không dám, cũng không thể mạo hiểm quân sự với Nga-Trung, ông ấy cũng sẽ không thể khai chiến ở các nơi khác chỉ trong chốc lát.
Tuy nhiên, rất có thể ông ấy sẽ nhanh chóng triển khai các cuộc tấn công vào nền kinh tế thế giới, bao gồm 'chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng Trump sẽ phải tính đến khả năng thất bại trong cuộc chiến này và càng làm mất lòng người Mỹ", Đới bình luận.
Đới kết luận, vị trí Tổng thống sẽ không để một người "cá tính" như Trump đi quá xa mà ngược lại, "áo giáp trách nhiệm" nặng nề sẽ khiến vị Tổng thống đắc cử khó thể ung dung.
"Bốn sợi dây trên ràng buộc Trump dù có tính đàn hồi nhất định nhưng chúng sẽ trở thành chiếc lồng cứng vây khốn tân Tổng thống Mỹ.
Đối với Trump, vị trí Tổng thống Mỹ giống như một 'chiếc gông'. Ông ấy cũng thể chỉ giống như hơn 40 đời Tổng thống tiền nhiệm, 'đeo gông nhảy múa", Đới Húc cảnh báo.