Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ có chuyến thăm hiếm hoi tới Lầu Năm Góc bàn về an ninh

Bảo Hà |

Lầu Năm Góc cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã tham gia một cuộc họp hiếm hoi tại trụ sở vào ngày 12/7 với quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ phụ trách vấn đề châu Á.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ có chuyến thăm hiếm hoi tới Lầu Năm Góc bàn về an ninh - Ảnh 1.

Trụ sở Lầu Năm Góc tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: Reuters

Động thái diễn ra sau khi Washington chỉ trích Bắc Kinh chần chừ trong việc tham gia vào các hoạt động liên lạc quân sự.

Dẫn tuyên bố ngắn gọn của Lầu Năm Góc, hãng tin Reuters cho biết Đại sứ Trung Quốc Xie Feng đã thảo luận về quan hệ quốc phòng và một loạt vấn đề an ninh khu vực và quốc tế trong cuộc hội đàm với Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ely Ratner.

"Ông Ratner cũng nhấn mạnh cam kết của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc duy trì các đường dây liên lạc quân đội giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Martin Meiners, cho hay. Phát ngôn viên Meiners nói thêm cuộc thảo luận kéo dài khoảng 90 phút.

Về phần mình, trong một tuyên bố vào sáng 13/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Đại sứ Xie kêu gọi Mỹ gặp Trung Quốc để dần dần đưa quan hệ giữa hai nước và quân đội của họ đi đúng hướng.

“Mối quan hệ Trung-Mỹ lành mạnh và ổn định là lợi ích chung của cả hai nước”, Đại sứ Xie nói trong cuộc thảo luận. Ông Xie cũng yêu cầu phía Mỹ “hành động để loại bỏ các trở ngại, thu hẹp sự khác biệt, xử lý vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và các vấn đề quan trọng nhạy cảm khác một cách thận trọng theo các nguyên tắc của ba thông cáo chung Trung-Mỹ”

Theo đánh giá của chuyên gia Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cuộc họp lần này "khá bất thường".

"Đại sứ Trung Quốc không thường gặp các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ. Điều này cho thấy ít nhất Trung Quốc đang đáp lại những lo ngại của Mỹ, nhưng tiến trình thực tế vẫn cần thời gian và đàm phán”, chuyên gia Sun nhận định.

Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang chạm mức thấp vì các vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm vấn đề Đài Loan, lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đối với các công nghệ tiên tiến và các chính sách công nghiệp của chính phủ Trung Quốc, Washington đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đầu tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến thăm Trung Quốc và đặc phái viên về khí hậu John Kerry dự kiến ​​đến thăm vào tuần tới. Ngoại trưởng Antony Blinken đã tới Bắc Kinh vào tháng trước trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc của một ngoại trưởng Mỹ kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, trong một diễn đàn quốc phòng ở Singapore vào tháng trước, Bắc Kinh đã phớt lờ những nỗ lực của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhằm tổ chức một cuộc họp chuyên sâu với người đồng cấp Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, liên lạc quân sự đã bị đình trệ.

Phát biểu tại một diễn đàn ở London (Anh) ngày 10/7, Colin Kahl, cố vấn chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên liên hệ để tăng cường các kênh liên lạc và xử lý khủng hoảng với Bắc Kinh, nhưng họ lại liên tiếp đẩy chúng ta ra xa”.

Trung Quốc công khai trích dẫn các biện pháp trừng phạt của Mỹ như một trở ngại đối với đối thoại quân sự. Chuyên gia Sun chỉ ra Bắc Kinh khó có thể chấp nhận một cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng với ông Austin trừ khi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Năm 2018, quan chức cấp cao này của Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì liên quan đến thương vụ mua máy bay chiến đấu và thiết bị từ nhà xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại