Đại sứ Phạm Sanh Châu có tên trong vòng bầu chọn Tổng Giám đốc UNESCO

Song Minh |

Đại sứ Phạm Sanh Châu là một trong bảy ứng viên lọt vào vòng bỏ phiếu cuối cùng cho vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Văn hoá và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Cuộc bỏ phiếu kín của 58 quốc gia thành viên diễn ra hôm 9.10 tại Paris (Pháp) trong khuôn khổ Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 202, dưới sự chủ trì của Đại sứ Đức tại UNESCO Michael Worbs.

Ngoài Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam, các ứng viên còn lại đến từ Azerbaijan, Trung Quốc, Lebanon, Ai Cập và Qatar. Theo thông tin trên website của UNESCO, trước đó, hai ứng viên khác của Iraq và Guatemala đã rút lui.

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào cuối ngày họp theo giờ địa phương. Ứng cử viên nào đạt được ít nhất 30 trên tổng số 58 phiếu sẽ trở thành tân Tổng Giám đốc UNESCO. Nếu không đạt được đa số quá bán (30/58) các vòng bầu cử sau sẽ diễn ra vào cuối ngày họp tiếp theo.

Tuy nhiên, bầu cử chỉ bỏ phiếu đến vòng thứ năm để chọn ứng viên thắng cuộc. Nếu đến vòng thứ tư mà chưa có ứng cử viên đạt quá bán, thì chỉ hai ứng viên có số phiếu cao nhất sẽ được vào vòng năm - vòng cuối cùng để chọn một người.

Trong trường hợp tại vòng năm, cả hai ứng viên có cùng số phiếu thì Chủ tịch Hội đồng Chấp hành sẽ bốc thăm chọn ứng viên duy nhất.

Người chiến thắng sẽ được công bố vào ngày 13.10. Sau đó, Đại hội đồng UNESCO sẽ xem xét thông qua ứng cử viên duy nhất được Hội đồng Chấp hành UNESCO giới thiệu vào khoá họp lần thứ 39 vào ngày 10.11.2017, với sự tham gia của 195 nước thành viên.

Tân TGĐ UNESCO sẽ bắt đầu nhận nhiệm sở từ ngày 15.11, nhiệm kỳ 4 năm, thay cho bà Irina Bokova, người Bulgaria, sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 11.

Các ứng viên lọt vào vòng cuối cùng này đều là những người giữ vị trí cao trong chính phủ các nước, từng có hoạt động ở UNESCO, am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn của tổ chức này.

Đại sứ Phạm Sanh Châu hiện là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Đại sứ Phạm Sanh Châu bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983, ông từng giữ cương vị Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg... Năm 1999-2003, ông là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Paris, Pháp.

Các ứng viên đối thủ còn lại cũng nặng ký không kém. Đại diện của Ai Cập - bà Moushira Khattab - là cựu Bộ trưởng Gia đình và Dân số Ai Cập, cựu Chủ tịch Uỷ ban LHQ về Quyền trẻ em, bà tranh cử với quan điểm phụ nữ, thanh niên và trẻ em là chìa khoá cho thành công của UNESCO.

Ông Polad Bulbuloglu của Azerbaijan là Chủ tịch Uỷ ban Liên chính phủ về Giáo dục, Khoa học và Hợp tác Văn hoá của Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS. Ông Qian Tang của Trung Quốc là Phó Tổng Giám đốc phụ trách giáo dục của UNESCO, tranh cử với quan điểm ưu tiên sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Bà Vera El Khoury Lacoeuilhe là Cố vấn của Bộ Văn hoá Lebanon, thành viên Nhóm cố vấn độc lập, Uỷ ban Kinh tế xã hội của Liên Hợp Quốc. Bà chú trọng về trách nhiệm của cộng đồng thế giới với trẻ em.

Bộ trưởng Văn hoá Pháp Audrey Azoulay tranh cử với cương lĩnh: Giáo dục là chất xúc tác cho sự phát triển và bình đẳng giới tính, UNESCO phải đóng vai trò chủ chốt trong phát triển bền vững. Nguyên Bộ trưởng Văn hoá, Nghệ thuật và Di sản Qatar, ông Hamad bin Abdulaziz Al-Kawari, tranh cử với quan điểm UNESCO cần một đòn bẩy mới cho sự phát triển của tổ chức này trong tương lai.

Dù kết quả cuộc bầu chọn gắt gao còn ở phía trước, dù trúng cử hay không, nhưng việc Việt Nam lần đầu ra ứng cử vị trí TGĐ UNESCO đã góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định năng lực của con người Việt Nam tham gia lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại