“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những cáo buộc chống lại Nga liên quan tới việc mua bán công nghệ phòng không và tên lửa cho Triều Tiên là hoàn toàn vô căn cứ và có ý đồ xấu. Mỹ đã không kiểm chứng thông tin để rồi đưa ra những lời cáo buộc chống lại Nga và đây là cách họ tạo ra một trò chơi khăm”, Sputnik dẫn lời ông Matsegora.
Hôm 17/1, Tổng thống Donald Trump đã cho công bố chiến lược phòng thủ tên lửa cải tiến của Mỹ đồng thời khẳng định Triều Tiên là “mối đe dọa đặc biệt đang xảy đến”.
Trong đó, chiến lược phòng thủ tên lửa cải tiến của Mỹ nhấn mạnh rằng, “Triều Tiên đã đề nghị mua công nghệ phòng thủ tên lửa của Nga để từ đó, Bình Nhưỡng tự phát triển năng lực phòng thủ tên lửa và phòng không. Dù là hàng sản xuất nội địa, nhưng các hệ thống radar và đánh chặn tên lửa của Triều Tiên lại mang nhiều đặc tính giống vũ khí của Nga”.
Cũng trong ngày 17/1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood cho hay Triều Tiên hiện sản xuất thêm các hệ thống và tăng mức độ hiện đại của vũ khí. Do đó, Mỹ cần tăng cường năng lực và hiệu quả chiến đấu.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên luôn ở mức căng thẳng trong hàng thập niên sau những vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiều lần lên án và chỉ trích hành động của Triều Tiên đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xác nhận Bình Nhưỡng sẽ tiến hành giải trừ hạt nhân. Đổi lại Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên cho hay quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong Chol đã tới Washington hôm 17/1 để chuẩn bị tiến hành bàn thảo với Ngoại trưởng Mike Pompeo vào hôm nay (18/1) và khả năng ông Kim còn gặp gỡ Tổng thống Trump. Đây có thể được xem là những cuộc gặp nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.