'Mãng xà' Trung Quốc trong vũ trụ: Có thể nghiền nát vệ tinh như trăn giết mồi

Trang Ly |

Và điều này đang khiến quân đội Mỹ lo ngại.

TRUNG QUỐC PHÁT TRIỂN RẮN ROBOT: MỸ LO!

Trong bối cảnh lo ngại lâu dài về khả năng làm hỏng vệ tinh các quốc gia khác của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nước này đã phát triển một con rắn robot khổng lồ, có sức mạnh, độ linh hoạt và tuổi thọ chưa từng có trong không gian.

Robot dài 1,5 mét, gắn vào tàu vũ trụ, gồm 4 'xúc tu', mỗi 'xúc tu' lại gồm 9 đoạn. Mỗi đoạn có khả năng tạo ra mô-men xoắn 190 Nm, SCMP thông tin.

Các khớp nối giữa các đoạn linh hoạt đến nỗi có thể xoắn và xoay rộng rãi, cho phép robot vượt qua một môi trường phức tạp để tìm đến góc hẹp của trạm vũ trụ hoặc vệ tinh gặp trục trặc mà các phi hành gia/hoặc cánh tay robot hiện nay không thể tiếp cận để sửa chữa, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết.

Họ cho biết, 'xúc tu' của con robot này có thể nghiền nát một vệ tinh nhỏ như 'một con trăn giết con mồi', tuy vậy, Trung Quốc cho biết họ không có ý định sử dụng 'mãng xà' này làm vũ khí.

Mãng xà Trung Quốc trong vũ trụ: Có thể nghiền nát vệ tinh như trăn giết mồi - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa cho thấy cánh tay robot có thể hoạt động như thế nào. Các nhà phát triển của nó cho biết công nghệ này sẽ tiết kiệm chi phí cho chương trình không gian của Trung Quốc và tăng khả năng tiếp cận các điểm chật hẹp trên trạm vũ trụ hoặc vệ tinh. Ảnh: Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Cơ học Trường Xuân, Viện Khoa học Trung Quốc.

Về lý thuyết, một đoạn của con robot này nếu bị hư hỏng hoặc trục trặc có thể được loại bỏ hoặc thay thế bằng một đoạn mới, cho phép nó hoạt động trong thời gian không giới hạn ngoài vũ trụ.

"Việc sửa chữa trong môi trường không gian phức tạp tiêu tốn rất nhiều nhân lực và vật lực" - Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Xu Zhenbang, thuộc phòng thí nghiệm quan trọng về sản xuất và tích hợp trên quỹ đạo cho hệ thống quang học không gian tại Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Trường Xuân cho biết tại một bài báo được xuất bản trên tạp chí Robot.

Giáo sư Xu Zhenbang và các đồng nghiệp của ông cũng có thể hoạt động cùng nhau để tạo cho robot triển khai những xúc tu nhịp nhàng để di chuyển hoặc điều khiển một vật thể lớn. Đây là nỗ lực của Trung Quốc trong việc 'dọn rác không gian'.

Tháng 1/2022, vệ tinh Shijian 21 của Trung Quốc (vệ tinh giảm thiểu mảnh vỡ vũ trụ) đã kéo một vệ tinh dẫn đường BeiDou đã chết vào quỹ đạo nghĩa địa, theo công ty giám sát không gian thương mại ExoAnalytic Solutions.

Mãng xà Trung Quốc trong vũ trụ: Có thể nghiền nát vệ tinh như trăn giết mồi - Ảnh 2.

Vệ tinh Shijian 21 của Trung Quốc.

Mặc dù thông tin chi tiết vẫn được giữ kín, nhưng sứ mệnh cho rằng Trung Quốc đã có được công nghệ robot tiên tiến để theo dõi, nắm bắt và kiểm soát một vật thể vô định trong môi trường không trọng lượng.

Tuy nhiên vẫn có nhiều lo ngại rằng, Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ tương tự để vô hiệu hóa vệ tinh của các nước khác. Quân đội Mỹ đã bày tỏ lo ngại về khả năng chống vệ tinh của Trung Quốc, đặc biệt là Shijian 17, một tàu thăm dò thử nghiệm với một cánh tay robot đã tiến hành các cuộc diễn tập bất thường sau khi phóng vào năm 2016.

Chính phủ Trung Quốc cho biết công nghệ robot không gian của Trung Quốc được phát triển vì mục đích hòa bình, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, phục vụ tàu vũ trụ hoặc vệ tinh trên quỹ đạo và loại bỏ các mảnh vỡ/rác không gian.

Trong sách trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hồi cuối tháng 1/2022, Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch biến việc dọn dẹp rác không gian thành một công việc kinh doanh có lãi trong vòng 5 năm tới.

Bên cạnh các sứ mệnh đặt ra trong 5 năm tới - nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc không gian số 1 - như hoàn thành lắp ghép/xây dựng Trạm Vũ trụ Trung Quốc Thiên Cung; khám phá Mặt trăng, sao Hỏa... Trung Quốc cũng cam kết cải thiện việc giám sát các mảnh vỡ không gian (rác vũ trụ), tăng cường kiểm soát 'giao thông vũ trụ' và cải thiện hệ thống giám sát các mảnh vỡ vũ trụ, cơ sở dữ liệu liên quan và các dịch vụ cảnh báo sớm. Nước này cũng sẽ tiến hành bảo trì tàu vũ trụ/vệ tinh ngay trong quỹ đạo của để tránh va chạm với các vệ tinh của quốc gia khác, Tân Hoa Xã thông tin.

TỪ RẮN ROBOT DƯỚI BIỂN ĐẾN RẮN ROBOT KHÔNG GIAN

Trước đó, robot rắn đã được sử dụng để kiểm tra cáp dưới biển và các nhiệm vụ khác, nhưng do những thách thức về kỹ thuật, các nhà nghiên cứu chưa đề cập đến việc sử dụng chúng trong không gian.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc đóng gói các thành phần trong một không gian hạn chế và dưới nhiều lớp bảo vệ là điều không dễ dàng.

Nhóm của Giáo sư Xu Zhenbang cho biết họ đã thử nghiệm robot rắn trong các nhiệm vụ mô phỏng trên mặt đất, bao gồm khám phá vùng lãnh thổ chưa biết. Robot phải xác định các khoảng trống, đi vào một không gian hẹp và điều chỉnh các phân đoạn cơ thể của nó một cách nhanh chóng để tránh tiếp xúc với các chướng ngại vật trong khi di chuyển về phía trước.

Mãng xà Trung Quốc trong vũ trụ: Có thể nghiền nát vệ tinh như trăn giết mồi - Ảnh 4.

Con robot rắn được phát triển cho chương trình không gian của Trung Quốc đã di chuyển qua các chướng ngại vật trong một thí nghiệm trên mặt đất. Ảnh: Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Cơ học Trường Xuân, Viện Khoa học Trung Quốc

Giáo sư Xu cho biết, việc đưa robot rắn vào không gian sẽ giúp ích rất nhiều cho việc sửa chữa, bảo trì trạm vũ trụ và vệ tinh ở bên ngoài môi trường trọng lực. Do đo, họ sẽ cải tiến hơn nữa con robot trước khi đưa nó đi vào vũ trụ.

Ví dụ, một số thành phần làm bằng hợp kim kim loại sẽ được nâng cấp thành sợi carbon để giảm trọng lượng. Họ cũng đã sử dụng một số động cơ điện của Thụy Sĩ, bộ vi xử lý từ Texas Instruments của Mỹ và hộp số từ Nhật Bản.

Các nhà nghiên cứu không cho biết liệu các bộ phận này có được thay thế hay không, nhưng các nhà chức trách vũ trụ Trung Quốc thường yêu cầu các bộ phận quan trọng của robot này phải được sản xuất tại Trung Quốc để giảm rủi ro về an ninh và xử phạt.

Về vấn đề mà quân đội Mỹ lo ngại (đó là Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ tương tự để vô hiệu hóa vệ tinh của các nước khác), thì một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh giấu tên nhận định, việc Trung Quốc tiết lộ công nghệ robot này trên tạp chí truy cập công khai đã cho thấy Trung Quốc không có kế hoạch sử dụng nó làm vũ khí.

Ông nói thêm, thiết kế và thông số kỹ thuật của công nghệ tương tự được sử dụng trong các ứng dụng quân sự có thể khá khác nhau.

Nguồn: SCMP, Tân Hoa Xã

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại