"Chúng tôi hy vọng rằng, hai bờ eo biển Đài Loan có thể làm việc theo một mô hình liên lạc mới nhằm mang lại lợi ích ổn định và thịnh vượng của cả hai bên cũng như toàn khu vực", nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói trong một bài phát biểu tại diễn đàn Đối thoại an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Đài Bắc.
Diễn đàn được tổ chức hôm 8/8 với sự tham gia của 30 quan chức cấp cao, chuyên gia của Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ.
Tại cuộc họp, bà Thái cho biết, chính quyền Đài Loan đã bị Bắc Kinh đình chỉ mọi liên lạc kể từ khi bà lên nắm quyền năm ngoái. Trung Quốc đại lục đã đình chỉ mọi trao đổi chính thức với hòn đảo này vào hồi tháng 5/2016 vì bà Thái không thừa nhận Đồng thuận 1992 cũng như nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), hiện nay bà Thái đang muốn tìm cách xoa dịu Đại lục bằng cách đề nghị hỗ trợ chính phủ Bắc Kinh sau trận động đất mạnh 7 độ richter ở khu vực phía Tây Nam Trung Quốc, gần Vườn quốc gia Cửu Trại Câu vào tối thứ Ba vừa qua.
"Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và cung cấp tất cả các thiết bị cần thiết... để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra", bà Thái nói.
Một nhà phân tích đánh giá, Đài Bắc hy vọng tình hình sẽ thay đổi sau khi đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội lần thứ 19 vào mùa thu năm nay. Đại hội năm nay là một cuộc cải tổ lãnh đạo quan trọng, đồng nghĩa việc Đài Loan sẽ làm việc với một số lãnh đạo mới của Bắc Kinh về quan hệ hai bờ eo biển.
Nhà nghiên cứu Đài Loan Tung Li-wen nhận định: "Việc bà Thái tái khẳng định chính quyền của bà mong muốn duy trì nguyên trạng hai bờ eo biển và kêu gọi hai bên tìm cách thức liên lạc mới là một dấu hiệu tích cực".
"Điều này cho thấy bà ấy vẫn hy vọng cải thiện quan hệ dưới thời [Chủ tịch] Tập Cận Bình và không muốn mối quan hệ hai bờ eo biển trở nên tồi tệ hơn", ông Tung cho rằng, chính quyền bà Thái buộc phải thay đổi chính sách hai bờ do tác động từ tuyên bố "chia tay" Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh của đồng minh lâu năm Panama hồi tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của bà Thái Anh Văn, các nhà nghiên cứu đại lục cho rằng, những nền tảng mà người tiền nhiệm Mã Anh Cửu - người công nhận Đồng thuận 1992 tạo ra là "đủ tốt để duy trì chặt chẽ quan hệ hai bờ".
"Tại sao lại phải tìm một mô hình mới nếu [mô hình] hiện tại đang hoạt động rất tốt?", Zhou Zhihuai, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói.