Đáp trả trước quyết định bất ngờ của Nigeria, hôm 2/7, Đài Loan đã yêu cầu Nigeria di dời văn phòng thương mại của nước này khỏi thành phố Đài Bắc.
"Chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp đáp trả bằng việc yêu cầu Nigeria phải hành động tương tự sau khi chúng tôi hoàn thành việc di dời văn phòng thương mại tới Lagos", Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời Cơ quan Ngoại giao Đài Loan.
Hồi tháng 1/2017, Nigeria đã yêu cầu Đài Loan di chuyển văn phòng thương mại ra khỏi khu vực thủ đô Abuja và mở một văn phòng có quy mô nhỏ hơn với chỉ một nhân viên đại diện ở Lagos. Quyết định trên được chính phủ Nigeria đưa ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Trong chuyến thăm tới Nigeria, ông Vương đã yêu cầu quốc gia này tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Còn hôm 30/6, Nigeria đã điều động 25 cảnh sát vũ trang tới để di dời văn phòng thương mại của Đài Loan từ Abuja tới Lagos.
Mặc dù vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng hồi cuối tháng Ba, Nigeria đã yêu cầu người đại diện của Đài Loan rời khỏi quốc gia này vì lý do không thể đảm bảo an ninh cho quan chức Đài Loan. Về phần mình, Đài Bắc đã cố gắng thuyết phục chính quyền Abuja thay đổi quyết định.
Theo SCMP, việc Nigeria yêu cầu Đài Loan di dời văn phòng thương mại là do sức ép từ Trung Quốc. Và kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan hồi cuối tháng 5/2016, sức ép mà Trung Quốc áp đặt với các quốc gia đồng minh của Đài Bắc lại ngày càng gia tăng.
Cụ thể, kể từ tháng 12/2016, ngoài việc điều động tàu chiến và chiến đấu cơ tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan nhằm phô trương sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cũng đã thành công trong việc cắt đứt quan hệ giữa Sao Tome và Panama với Đài Loan. Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, Nigeria, Ecuador, Dubai, Bahrain và Jordan sẽ là các quốc gia tiếp theo chịu sức ép từ Trung Quốc.
"Sẽ ngày càng có thêm nhiều tin buồn và áp lực khiến mối quan hệ ở eo biển Đài Loan thêm xấu đi", Giáo sư tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, ông Alexander Huang nhấn mạnh.
Bắc Kinh cũng đã cắt đứt mọi hoạt động trao đổi và liên lạc với Đài Bắc kể từ tháng Sáu năm ngoái đồng thời khẳng định việc tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" là nền tảng duy nhất để Đài Loan và Trung Quốc nối lại quan hệ.