Binh sĩ Myanmar sau đảo chính. Ảnh: al Jazeera.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên ngăn chặn dòng vũ khí vào Myanmar, hối thúc quân đội Myanmar ngừng các hành vi bạo lực trong việc đối phó những người biểu tình ôn hòa”, chấm dứt các hạn chế đối với mạng internet và phương tiện truyền thông xã hội.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này phải được thiết lập lại: “Chúng ta phải tạo điều kiện để nền dân chủ được phục hồi ngay cả khi nó không phải là một nền dân chủ hoàn hảo. Dân chủ để được phục hồi, những người bị giam giữ phải được thả; những vi phạm nhân quyền, hành vi bạo lực cần phải dừng lại. Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà các cuộc đảo chính quân sự là một sự kiện bình thường. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener cảnh báo: “Mối đe dọa trong khu vực của cuộc khủng hoảng Myanmar là có thật. Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi kiềm chế tối đa và lên án mọi hình thức bạo lực tại quốc gia này. Thực tế, nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến quy mô lớn là có thật”.
Trước đó, bà này đã cho biết, nhiều người dân Myanmar đang tự trang bị vũ khí chống lại chính quyền quân sự và người dân không chỉ biểu tình ôn hòa mà đã chuyển sang hành động tấn công; sử dụng vũ khí tự chế và tham gia hoạt động huấn luyện của một số nhóm vũ trang. Do đó, việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra lời kêu gọi ngăn chặn dòng vũ khí vào quốc gia này được đánh giá là phù hợp.
Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua cũng kêu gọi Myanmar nhanh chóng thực hiện 5 điểm đồng thuận mà chính quyền quân sự Myanmar đã thiết lập với các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi tháng 4, nhằm ngăn chặn bạo lực và bắt đầu quá trình đối thoại.
Theo nguồn tin Reuters, các quốc gia Đông Nam Á đang dẫn đầu các nỗ lực đối thoại để giải quyết vấn đề Myanmar. Các quốc gia này cũng đã đề xuất Liên Hợp Quốc sửa đổi dự thảo Nghị quyết về Myanmar - ban đầu vốn sử dụng nhiều ngôn từ lên án mạnh mẽ. Điều này có thể nhằm mục đích giúp giảm bớt bầu không khí căng thẳng để mở rộng cánh cửa đối thoại cho các bên Myanmar.
Quan điểm của Việt Nam và ASEAN
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ cho hay, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ tái khẳng định các quan điểm rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu tại diễn đàn trước đây. Bên cạnh đó, Đại sứ tiếp tục bày tỏ lo ngại sâu sắc về các cuộc đụng độ và tấn công trong vài tuần qua trên khắp Myanmar, cướp đi sinh mạng của nhiều người và cho rằng người dân Myanmar phải được bảo vệ khỏi nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện.
Đại diện Việt Nam nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar ngừng ngay bạo lực, khôi phục lòng tin, bắt đầu đối thoại, hòa giải và thực hiện Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4 vừa qua. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ Myanmar và tạo môi trường thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu này phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Giải thích về việc Việt Nam bỏ phiếu thuận đối với Nghị quyết, Đại sứ cho rằng mặc dù Nghị quyết vừa được thông qua chưa hoàn hảo, không phản ánh đầy đủ tình hình thực địa, Việt Nam bỏ phiếu thuận là để ủng hộ đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin. Việt Nam bỏ phiếu thuận cũng là nhằm chống lại đối đầu, chia rẽ và nghi kỵ. Cùng với ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực giúp Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, vì lợi ích của người dân Mynmar và vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp, nghe Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Pehin Yusof, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, thông tin về các nỗ lực gần đây của ASEAN liên quan tình hình Myanmar. Trong phát biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei chia sẻ các nỗ lực của ASEAN trong thời gian qua trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar, đặc biệt là những nội dung được thảo luận trong chuyến thăm làm việc tại Myanmar hồi đầu tháng 6 vừa qua cũng như tình hình liên quan việc thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” đạt được tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4.
Tất cả các nước thành viên HĐBA LHQ đều đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề Myanmar, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy thực hiện ngay “Đồng thuận 5 điểm”, cho rằng ASEAN cần sớm bổ nhiệm Đặc phái viên về Myanmar. Nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công, bạo lực và kêu gọi các bên kiềm chế, tham gia đối thoại để giải quyết vấn đề. Các nước mong muốn Đặc phái viên của ASEAN và Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ phối hợp chặt chẽ trong các nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà cho biết Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Myanmar và vô cùng lo ngại về các cuộc đụng độ, tấn công xảy ra trên khắp đất nước trong vài tuần qua cũng như nguy cơ về một cuộc nội chiến ở Myanmar đang ngày cao. Trong bối cảnh đó, Việt Nam kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar ngừng ngay lập tức các cuộc đụng độ và các hành vi bạo lực khác, giảm leo thang căng thẳng và bảo đảm việc tiếp cận nhân đạo không bị cản trở cho những người dân đang có nhu cầu, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam cho rằng đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin với trọng tâm là người dân là yếu tố quyết định để giải quyết tình hình hiện nay.
Để đạt được mục tiêu này, đại diện Việt Nam thúc giục tất cả các bên ở Myanmar khôi phục lòng tin với nhau và với cộng đồng quốc tế, nhấn mạnh sẽ không thể có đối thoại nếu không có lòng tin. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ Myanmar và tạo môi trường thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu này. Nhân dịp này, đại diện Việt Nam cũng chia sẻ thêm về những nỗ lực của ASEAN thời gian qua và kêu gọi các thành viên HĐBA và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ các nỗ lực và lập trường của ASEAN, trong đó có việc cung cấp hỗ trợ và hỗ trợ nhân đạo thông qua các cơ chế của ASEAN. Việt Nam khuyến khích sự bổ trợ lẫn nhau giữa công việc của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và của ASEAN nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, hợp tác và mang tính xây dựng trong việc giải quyết tình hình ở Myanmar./.