Trong bối cảnh làn sóng thù ghét người gốc Á đang bị lên án kịch liệt ở nhiều quốc gia trên thế giới, có lẽ ai cũng hiểu rằng mọi phát ngôn liên quan đều phải rất cẩn trọng nếu không muốn kích động sự phẫn nộ của công chúng. Tuy nhiên, ĐH Harvard danh giá của Mỹ mới đây lại có một phát ngôn khá nhạy cảm, khiến cộng đồng người gốc Á cảm thấy phẫn nộ.
Cụ thể, theo như Fox News đưa tin, trang web của CAMHS (Dịch vụ Tư vấn và Sức khỏe tâm thần) thuộc ĐH Harvard đã có một bài đăng lên án hành vi phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, trong đó lại có một câu nói gây tranh cãi, với đại ý rằng học sinh châu Á "có thể không còn muốn là người châu Á nữa sau khi phải chịu đựng quá nhiều hành vi phân biệt".
Mục đích của câu nói này được cho là để lên án các hành vi phân biệt đối xử, đồng thời khích lệ học sinh châu Á cần phải kiên nhẫn, vì "tổ tiên của con người còn từng phải chịu đựng những hành vi kinh khủng hơn như thế".
Làm ơn hãy nói cho tôi biết ai đã viết "bạn sẽ mong mình không phải người châu Á" trên trang web của Harvard - tạm dịch một bình luận của cư dân mạng
Dẫu có ý tốt, nhưng bài viết của ĐH Harvard đã nhận phải rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng vì đã có phát ngôn quá nhạy cảm. Nhiều người cho rằng câu nói này chẳng giúp ích gì cho cộng đồng người gốc Á, thậm chí mang theo hàm ý phân biệt trong đó.
Chính bởi vậy mà mới đây, ĐH Harvard đã phải thay đổi lại nội dung câu nói, đồng thời đăng tải lời xin lỗi. CAMHS khẳng định rằng mục đích của họ chỉ là để hỗ trợ cho các sinh viên "đã phải chịu đựng quá nhiều căng thẳng trong thời gian qua."
"Chúng tôi thực sự xin lỗi vì nội dung đăng tải gần đây trên trang web. Nó không chỉ sai mục đích, mà còn khiến cộng đồng chịu nhiều áp lực hơn" - trích trong bài đăng của CAMHS.
"Chúng tôi có ý muốn đăng những nguồn tin tích cực cho cộng đồng người châu Á, người Mỹ gốc Á và thuộc đảo Thái Bình Dương, rằng chúng tôi cũng rất đau đớn với những sự kiện xảy ra gần đây. Nhưng những gì đăng lên lại bao gồm cả nội dung nhạy cảm và không phù hợp, và giờ chúng tôi đã gỡ bỏ chúng."
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ĐH Harvard có những rắc rối gây tranh cãi liên quan đến vấn đề chủng tộc. Năm 2018, Trưởng khoa tuyển sinh William Fitzsimmons đã làm chứng trước tòa về việc ĐH Harvard đặt ra những tiêu chuẩn mang tính phân biệt khi tuyển sinh, trong đó có cả tiêu chuẩn về chủng tộc. Khi đó, các học sinh người Mỹ gốc Á sẽ phải có điểm SAT cao hơn chuẩn của các ứng viên khác tới 250 điểm mới được nhập học.