Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển điện khí LNG. Ảnh minh hoạ: Internet
Sự quan tâm của giới đầu tư càng trở nên mạnh mẽ khi Bộ Chính trị hồi tháng 2/2020 công bố nghị quyết định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thập kỷ tới, với tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí LNG và hạ tầng nhập khẩu và phân phối khí.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn về việc giao hướng dẫn CTCP Tập đoàn Sovico thực hiện hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư trung tâm điện khí LNG tại khu kinh tế Nghi Sơn, báo cáo kết quả trước ngày 10/8 tới đây.
Liên quan đến dự án trung tâm điện khí LNG tại Nghi Sơn, trước đó, vào tháng 6/2020, một doanh nghiệp của Mỹ là Công ty Millennium từng mong muốn đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD bằng hình thức đầu tư: Xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO).
Theo cam kết, tập đoàn này sẽ đầu tư nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng có công suất lên đến 4.800 MW với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, cùng với đó là hệ thống kho cảng công suất 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Dự án dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau năm 2030.
Ngoài Sovico Group của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, nhiều nhà đầu tư lớn trong nước cũng đang quan tâm đến việc đầu tư xây dựng dự án điện khí LNG tại Việt Nam, thậm chí có nhiều dự án được cạnh tranh khá gay gắt bởi nhiều "ông lớn", như nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 7 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài muốn rót vốn đầu tư vào dự án điện khí LNG Vũng Áng 3.
Tập đoàn T&T cũng muốn rót vốn vào dự án LNG Vũng Áng 3. Tập đoàn này tiếp cận với dự án LNG Vũng Áng 3 từ năm 2018 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, khảo sát dự án.
Phía T&T đề xuất triển khai dự án theo hình thức đầu tư độc lập (IPP), tổng vốn 3,55 tỷ USD gồm trung tâm điện lực và trung tâm kho cảng, tổng công suất phát điện 3.000MW.
Bên cạnh LNG Vũng Áng 3, vào tháng 6/2019, T&T Group và Gen X Energy thuộc Quỹ đầu tư Blackstone - Hoa Kỳ đã đề xuất kế hoạch xây dựng Trung tâm Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu), công suất 6.000MW, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD và dự kiến đi vào vận hành năm 2023.
Cuối năm 2019, T&T Group còn đề xuất đầu tư dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 4,4 tỷ USD tại xã Hải An và xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị), tổng công suất dự kiến giai đoạn 1 là 1.200 - 1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW.
Ở dự án LNG Vũng Áng 3, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt, như liên doanh CTCP Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) - CTCP Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát, CTCP Thương mại và tư vấn Tân Cơ, Tổng công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex).
Không đứng ngoài cuộc chơi tỷ USD, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) cũng tham gia phát triển Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với việc hợp tác cùng CTCP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni.
Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của Miền Bắc, có công suất dự kiến 1.500MW, được đặt tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Dự án sử dụng công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp tiên tiến bậc nhất nhất hiện nay và đáp ứng yêu cầu cao về môi trường.
Sau gần 2 năm tổ chức nghiên cứu, các bên đã báo cáo và được sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Ninh và các Bộ ngành liên quan để đề xuất đầu tư dự án lên Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 17/10/2020, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Nhà đầu tư cũng đưa ra cam kết có thể đưa dự án đi vào vận hành phát điện năm 2026-2027 theo đúng tiến độ được phê duyệt.