Trên sàn chứng khoán Việt Nam, hiếm có nhà đầu tư ngoại nào để lại dấu ấn đậm nét như người Thái. Sau nhiều năm miệt mài thâu tóm, các tập đoàn lớn đến từ xứ Chùa Vàng đã “phủ sóng” trên rất nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm các đại gia Thái Lan lại bỏ túi hàng nghìn tỷ cổ tức từ các doanh nghiệp sản xuất đầu ngành của Việt Nam.
Sabeco – Con gà đắt đỏ biết đẻ trứng vàng của Thaibev
Đầu tiên phải kể đến Sabeco (SAB), một trong những khoản đầu tư lớn nhất của người Thái tại Việt Nam. Sau khi chi 5 tỷ USD tạo ra thương vụ thâu tóm đình đám năm 2017, Thaibev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã nắm quyền chi phối 53,59% cổ phần Sabeco thông qua công ty con Vietnam Beverage. Tỷ lệ sở hữu của Thaibev không thay đổi sau 6 năm nhưng giá trị thị trường của khoản đầu tư này hiện chỉ còn khoảng 1,8 tỷ USD.
Dù vậy, đây không phải vấn đề quá lớn bởi Thaibev đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tỷ phú Thái Lan còn đều đặn thu về hơn nghìn tỷ cổ tức mỗi năm. Tính cả đợt cổ tức 15% sẽ được nhận ngay trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch, đại gia Thái Lan đã thu về gần 9.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% số tiền đầu tư vào Sabeco .
Năm 2023, Sabeco có kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 35% bằng tiền. Vì thế, doanh nghiệp đầu ngành bia dự kiến sẽ còn chia thêm 20% cổ tức và tập đoàn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có thể thu về thêm 1.374 tỷ đồng cổ tức trong tương lai gần. Cổ tức chảy vào túi đại gia này sẽ còn tăng thêm khi Sabeco vẫn đều đặn chia tiền với tỷ lệ cao hàng năm. Sẽ không bất ngờ nếu một ngày nào đó Thaibev thu hồi được toàn bộ số tiền đầu tư vào Sabeco nhờ cổ tức.
Vinamilk - Mỏ vàng của TCC Holdings
Không phải Sabeco, Vinamilk (VNM) mới chính là doanh nghiệp mang về cho người Thái nhiều tiền cổ tức nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tính cả 2 đợt cổ tức liên tiếp sắp chi trả tới đây, đại gia Thái Lan sẽ bỏ túi hơn 13.200 tỷ đồng cổ tức từ doanh nghiệp đầu ngành Sữa . Điểm đến của số tiền khổng lồ trên không ai khác chính là tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi nhưng theo cách phức tạp hơn nhiều.
Bóng dáng tỷ phú Thái Lan xuất hiện ở Vinamilk từ năm 2013 sau khi TCC Holding mua lại Fraser & Neave (pháp nhân Singapore) với giá 11,2 tỷ USD. Thời điểm đó, công ty con của Fraser & Neave là F&N Dairy Investment đã là cổ đông lớn của Vinamilk. Sau thương vụ thoái vốn của SCIC năm 2017, nhóm Fraser & Neave không giấu diếm tham vọng tăng sở hữu tại doanh nghiệp đầu ngành Sữa của Việt Nam.
Đến nay, các thành viên thuộc Fraser & Neave hiện nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại Vinamilk, chỉ sau cổ đông Nhà nước (36%). Ước tính, khoản đầu tư vào Vinamilk của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có giá trị thị trường vào khoảng 1,2 tỷ USD. Nhờ đó, đại gia Thái Lan đều đặn thu về hàng nghìn tỷ cổ tức mỗi năm dù không nắm quyền chi phối Vinamilk. Riêng năm 2023, con số vào khoảng 1.200 tỷ đồng.
Nhựa Bình Minh – Thương vụ thắng lớn của SCG
Cùng thời điểm TCC Holdings xuất hiện tại Vinamilk, Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan cũng bắt đầu thâu tóm Nhựa Bình Minh (BMP) thông qua công ty con Nawaplastic. Doanh nghiệp này trở thành cổ đông lớn từ đầu tháng 3/2012 và không ngừng mua gom. Sau khi “ôm” trọn lô cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018, “đại gia” Thái Lan đã nắm quyền chi phối gần 55% vốn của Nhựa Bình Minh.
Nhờ đó, Nawaplastic “vớ bẫm” cổ tức. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào Nhựa Bình Minh quên chia cổ tức bằng tiền. Năm 2022, doanh nghiệp này dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84% trong đó cổ đông Thái Lan bỏ túi 376 tỷ đồng. Mới đây, Nhựa Bình Minh đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ “khủng” lên đến 65% và Nawaplastic tiếp tục thu về 293 tỷ đồng.
Ước tính, tổng số tiền cổ tức SCG thu về từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh có thể lên đến gần 1.800 tỷ đồng . Không chỉ ăn đậm cổ tức, cổ đông Thái Lan còn thắng lớn với cổ phiếu BMP khi giá trị khoản đầu tư này hiện đã lên đến hơn 4.100 tỷ trong khi số tiền chi ra để thâu tóm doanh nghiệp đầu ngành Nhựa của Việt Nam ước tính chỉ vào khoảng 2.750 tỷ đồng.
Bên cạnh Nhựa Bình Minh, SCG còn đang nắm 94% vốn của Sovi (SVI) thông qua thành viên TCG Solutions Pte.Ltd. Đến hiện tại, SCG đã thu về gần trăm tỷ từ cổ tức của Sovi. Con số này sẽ còn tăng thêm khi doanh nghiệp Bao bì của Việt Nam đang có kế hoạch chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 23,4% nhưng chưa triển khai.
Trong khi đó, Tập đoàn C.P mới trở thành cổ đông chiến lược của Fimex (FMC) từ cuối 2021 nhưng đã kịp bỏ túi 33 tỷ đồng cổ tức năm 2022 nhờ nắm giữ gần 25% vốn. C.P sẽ có thể nhận về thêm 33 tỷ cổ tức nữa nếu Fimex hoàn thành kế hoạch chi trả cổ tức 2023 với tỷ lệ 20% đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.
Ngoài ra, cũng có trường hợp người Thái “đói” cổ tức sau khi thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam như thương vụ Indorama Ventures với Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG). Doanh nghiệp này cũng mới rời sàn chứng khoán sau khi cổ đông Thái Lan hoàn tất chào mua nâng sở hữu lên 100%. Trước đó, doanh nghiệp này đã có 6 năm không chia cổ tức.
Nhìn chung, đa phần các đại gia Thái Lan đều “vớ bẫm” cổ tức sau khi thâu tóm các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu của Việt Nam. Uớc tính, chỉ riêng Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Sovi, Fimex đã mang về cho người Thái hơn 1 tỷ USD cổ tức . Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên qua từng năm.