Báo cáo tình hình hoạt động 10 tháng đầu năm, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho biết sản xuất đồ uống trong 10 tháng ước giảm 9,4% (cùng kỳ tăng 7,4%).
Thống kê của Hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho thấy tiêu thụ mặt hàng rượu bia vẫn còn thấp, nhất là bia lon và bia chai nên sản lượng 10 tháng qua của các doanh nghiệp sản xuất bia đã giảm 18,4% so cùng kỳ, trong đó sụt giảm mạnh nhất trong cao điểm dịch Covid-19 hồi tháng 4.
Hiện Tổng Công ty CP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (thương hiệu Heineken và Tiger) vẫn đang giảm sản xuất mặt hàng bia lon và bia chai.
Tiêu thụ bia sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay
Trong khi ngành bia rượu vẫn còn ảm đạm thì thị trường nước giải khát đã có tăng trưởng tốt nhờ vào mùa tựu trường và nhu cầu cứu trợ cho đồng bào ở các vùng bị thiên tai. Mặt khác, tình hình xuất khẩu các mặt hàng đồ uống vẫn duy trì ổn định tại các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan.
Từ khoảng giữa tháng 8, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất và quảng bá sản phẩm.
Ở nhóm ngành chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến thực phẩm ước tăng 2,2% (cùng kỳ giảm 2,9%). Trong đó, ngành thực phẩm có tốc độ tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay.
Riêng ngành thực phẩm chế biến (thức ăn nhanh) đồ hộp, mì gói, các sản phẩm từ tinh bột tăng trưởng tốt trong quý III, các doanh nghiệp đang chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán.
Tính chung, tình hình sản xuất ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống 10 tháng ước giảm 2% (cùng kỳ tăng 0,8%).
Số liệu Sở Công Thương TP HCM vừa công bố mới đây cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 680.602 tỉ đồng, tăng 9,9%, tương đương tăng 61.309,9 tỉ đồng (bình quân 1 tháng tăng thêm 6.131 tỉ đồng).
Tuy tăng không bằng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,5%) nhưng đến thời điểm hiện nay, tất cả 12 nhóm mặt hàng chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ 10 tháng các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,1%; hàng may mặc tăng 9,2%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,0%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,1%; ô tô các loại tăng 3,7%; phương tiện đi lại khác tăng 6,8%; xăng, dầu các loại tăng 7,4%; nhiên liệu khác tăng 7,4%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,8%; hàng hóa khác tăng 10,4%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 6,1%.
Theo Sở Công Thương, số liệu trên cho thấy thị trường bán lẻ đối với hầu hết mặt hàng chủ yếu đang trở về hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Đây là một điểm thuận lợi để TP triển khai thực hiện các giải pháp xúc tiến tiêu dùng tập trung, nhằm tạo đà tăng trưởng cho ngành bán lẻ, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của TP.