Đại gia Lê Phước Vũ dùng nước biển để sản xuất thép: Quá tốn kém!

Hà Giang |

Chuyên gia về ngành thép cho rằng, sản xuất thép đòi hỏi lượng nước khá lớn. Trong khi dự án thép của Hoa Sen đặt tại khu vực khá là hạn hán của Ninh Thuận.

Các cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen ngày 6/9 đã thông qua kế hoạch đầu tư dự án luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná.

Trước đó, để được sự chấp thuận của cổ đông, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đã thuyết phục rằng, khu vực ven biển Cà Ná được đánh giá là phù hợp nhất thế giới để làm nhà máy thép.

Ông Vũ cũng thuyết phục cổ đông rằng đã lo liệu xong số tiền vốn đầu tư khổng lồ, khoảng 250.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói là dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen được đặt tại địa bàn xã Phước Diêm, xã Cà Ná và 1 phần xã Phước Minh thuộc huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). 

Đây là vùng đất "nắng như rang, gió như phang" vốn thường xuyên nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng xã hội để tiếp thêm sức mạnh cho người dân có thêm nghị lực để chống chọi, thích ứng với hạn hán.

Được biết, ông Lê Phước Vũ đã từng được một chuyên gia ngành thép đặt câu hỏi "lấy nước đâu để sản xuất thép?", và câu trả lời ông Vũ đưa ra là dùng nước biển.

Và thực tế, ngày 1/8/2016, Tập đoàn Hoa Sen gửi văn bản cho UBND Ninh Thuận đề cập đến nguồn nước cho siêu dự án thép Cà Ná. Giai đoạn đầu, nhà máy cần 33.000 mét khối nước sạch/ngày. Đến khi vận hành tất cả các hạng mục, lượng nước tiêu thụ là 180.000 mét khối/ngày.

Tập đoàn Hoa Sen đề nghị Ninh Thuận chuẩn bị và cung cấp đủ nguồn nước để đáp ứng tiến độ và quy mô của dự án.

Đến ngày 16/8, UBND Ninh Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước tận nơi cho Hoa Sen, đấu nối từ nguồn nước của Nhà máy nước Phước Nam. Tuy nhiên, hiện nhà máy này chỉ có công suất 30.000 mét khối/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng nước trong khu vực rất lớn.

Mấy năm gần đây, hạn hán ở Ninh Thuận ngày càng khốc liệt. Nhiều hồ chứa nước ngọt cạn trơ đáy. Lượng nước tích trữ chỉ còn 15,6% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại 700 tỷ đồng vì hạn bán trong năm 2015.

Bốn tháng đầu năm 2016, có tới 6.000 người dân Ninh Thuận thiếu nước sinh hoạt, hơn 2.000 con cừu bị chết đói và khát.

Trao đổi với Điện tử Tổ Quốc về vấn đề nguồn nước, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết: "Sản xuất thép đòi hỏi nhu cầu về nước rất lớn. Nếu sử dụng nước biển để sản xuất thì phải lọc. Mà lọc là rất tốn kém!".

Về thiết bị lọc, đại diện ngành thép cũng nhấn mạnh rằng "rất quan trọng. Nếu Tập đoàn Hoa Sen dùng thiết bị lọc của Trung Quốc thì phải khảo sát để làm thế nào đạt hiệu quả cao".

Trước những lo ngại về vấn đề môi trường, ông Nghi nhấn mạnh: "Vấn đề cấp phép phải đúng luật, phải rút kinh nghiệm từ sự việc Formosa. Quan trọng hơn nữa là phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về môi trường nếu Hoa Sen thực hiện dự án này".

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Anh Vương, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thép Bắc Việt cho rằng: "So với nhiều lĩnh vực khác thì sản xuất thép không quá gây ô nhiễm môi trường. Quan trọng ở đây là biện pháp xử lý.

Nhật Bản là một trong những quốc gia sản xuất thép đứng đầu thế giới, tuy nhiên, công nghệ sản xuất cũng như xử lý về ô nhiễm môi trường rất tốt.

Về dự án thép Hoa Sen - Cà Ná, họ chỉ mới nói như vậy chứ cũng chưa biết có thực hiện không? Còn việc họ tuyên bố một đằng, làm một nẻo thì cũng đành chịu".

Và ngày 7/9, sau khi có những thông tin của dư luận nghi ngại về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, ông Lê Phước Vũ đã có buổi trao đổi thông tin chính thức về các vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Chủ tịch Hoa Sen cho rằng, mối quan tâm của đại đa số người dân về dự án của Hoa Sen là rất chính đáng, nhất là sau sự cố Formosa. Ngay từ đầu thành lập, Hoa Sen đã đề cao 3 tiêu chí: rõ ràng, trung thực, cộng đồng và phát triển.

"Chúng tôi sẽ kiên định với mục tiêu đó. Hiện nay, dự án đang ở quá trình khảo sát, đánh giá, chứ chưa triển khai gì cả trong khi đơn vị tư vấn độc lập của Mỹ đang xúc tiến đánh giá.

Nếu Hoa Sen quyết định chọn đấu thầu thiết bị, công nghệ thì riêng việc thiết kế cơ sở và các điểm đen phải được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước, Chính phủ".

Ông Vũ cũng cho biết, hiện Hoa Sen đang khẩn trương làm việc với các cơ quan tư vấn nước ngoài về dự án và sẽ trình Chính phủ.

"Sau sự cố Formosa, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Khoa học công nghệ chắc chắn sẽ kiểm tra rất nghiệm ngặt trước khi cấp phép. Sau đó chúng tôi mới lựa chọn công nghệ, thiết bị và đấu thầu.

Sau khi đấu thầu, chọn nhà cung cấp thiết bị, chúng tôi sẽ họp báo công khai, minh bạch và giải trình cho các cơ quan truyền thông cũng như người dân biết chúng tôi lựa chọn công nghệ gì, thiết bị gì, của nước nào để đảm bảo an toàn về môi trường.

Chúng tôi khẳng định, nếu chúng tôi thấy có nguy cơ về mặt an toàn, về mặt môi trường thì ngay lập tức tôi sẽ dừng dự án để không ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân", Chủ tịch Hoa Sen hứa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại