Trưa 8/6, vợ ông Dương là bà Nguyễn Thị Minh Hiền xác nhận chồng mình đã về nước vào sáng cùng ngày. Ông Dương đang ở khách sạn tại Hà Nội.
Theo bà Hiền, việc về nước của ông Dương nhằm phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra ngày 29/5/2017, vừa qua được xét xử bởi TAND TP Hòa Bình. Bà cho biết, sau khi về nước, vì lý do sức khỏe, có bệnh liên quan đến tụy nên ông Dương đang ở lại tại một khách sạn ở Hà Nội.
Chiều 8/6, trao đổi với PV, một đại diện Bộ Y tế cho biết, đã nắm được thông tin nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã từ Canada về Việt Nam. Vị này đánh giá, sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong rất nghiêm trọng, nên với trách nhiệm của mình vào thời điểm đó, việc ông Trương Quý Dương từ nước ngoài về nước trong lúc này rất tích cực.
"Chắc chắn cơ quan điều tra sẽ sớm mời ông Dương lên để làm rõ trách nhiệm trong việc ký kết các hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo. Đồng thời, xác định có hay không thỏa thuận khác trong việc thu và sử dụng nguồn tiền này như yêu cầu của Hội đồng xét xử tòa sơ thẩm", vị này nêu rõ.
Luật sư Nguyễn Chiến.
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH, luật sư Nguyễn Chiến (một trong 3 luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương) cho hay, hiện dư luận đang thắc mắc việc ký hợp đồng số 315 giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và CTCP Dược phẩm Thiên Sơn trong việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO.
Tuy nhiên, quá trình tố tụng vừa qua, đặc biệt tại phiên tòa sơ thẩm chưa làm rõ được việc này, vì vậy, chiều 5/6, TAND TP. Hòa Bình đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, đồng thời, giao cơ quan CSĐT làm rõ việc ký kết, các vấn đề có liên quan xung quanh hợp đồng này.
Theo luật sư Chiến, vì ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm nên chưa làm rõ được trách nhiệm liên quan. Vì thế, việc ông Trương Quý Dương về nước chắc chắn để thực hiện theo yêu cầu trả hồ sơ của tòa án.
"Quá trình điều tra bổ sung sẽ yêu cầu không chỉ ông Dương mà tất cả người có liên quan phải làm rõ bản chất sự việc, xem vấn đề thực chất như thế nào, có sai phạm hay không, từ đấy sẽ có hướng xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Nguyễn Chiến nói.
Về việc gia đình ông Dương cho rằng, ông này sức khỏe đang yếu, có bệnh liên quan đến tụy, ông Chiến cho hay cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ "nếu chưa đủ điều kiện sức khỏe có thể chờ đảm bảo để làm việc. Việc này để đảm bảo tính nội dung và khách quan, ông Dương phải tỉnh táo, nhận thức đầy đủ, như vậy, lời khai hay ý kiến mới có giá trị".
Về thời hạn điều tra sau khi tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, luật sư Chiến cho rằng, sẽ được thực hiện theo đúng luật. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ yêu cầu của tòa, đồng thời, tới đây phiên tòa sẽ xét xử đúng người, đúng tội, công bằng, khách quan.
Trước đó, liên quan vụ chạy thận nhân tạo làm 8 bệnh nhân tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hồi cuối tháng 5/2017, đại diện VKSND TP Hòa Bình cho rằng theo Bộ luật Tố tụng 2015, VKS và CQĐT xác định chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Dương.
Trong vụ án, pháp nhân là Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phải chịu một phần trách nhiệm, không phải cá nhân ông Dương. Việc người này xuất cảnh phù hợp với quy định của Nghị định 136. Tuy nhiên, trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng việc ông Dương ra nước ngoài khi phiên tòa đang diễn ra là không hợp lý.