Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý phát biểu thảo luận tại tổ TP HCM
Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động (NLĐ) khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.
Nhóm 2: Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) thì không được nhận BHXH 1 lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH 1 lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Thảo luận tại tổ, ĐB Trần Thị Diệu Thuý, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng trong quá trình đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đoàn viên, người lao động, đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở ở TP HCM đều mong muốn Quốc hội áp dụng phương án 1.
Bà Trần Thị Diệu Thuý nhắc lại việc khi ban hành Luật BHXH năm 2014, công nhân của TP đã phản ứng rất mạnh với quy định không cho rút BHXH một lần. "Vậy lần sửa luật này, nếu chúng ta cũng đặt vấn đề không cho người lao động rút BHXH một lần, thì sẽ ra sao?" - vị ĐB băn khoăn.
Theo ĐB Trần Thị Diệu Thuý, phương án 1 trong dự thảo là phương án tối ưu nhất để lựa chọn. "Chúng ta phải chấp nhận phương án "thương đau", đó là sẽ có một làn sóng rút BHXH một lần để giải quyết câu chuyện này, bởi nếu có áp dụng phương án 2, NLĐ khó khăn muốn rút BHXH một lần thì họ vẫn rút; còn đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) thì không được nhận BHXH một lần" - bà Thuý nói.
Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu, theo ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) là phù hợp, rất tốt cho người lao động, tuy nhiên thời gian tham gia ngắn chắc chắn là lương hưu thấp vì nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng.
Theo ĐB Trần Văn Khải, mục tiêu BHXH toàn dân, nhưng giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ; mà chủ yếu là là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển, hoặc làm việc gián đọan có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già. Dự thảo luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng, nếu như quy định trong dự thảo thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp.