Đề xuất lương giáo viên ở mức cao nhất trong thang bảng lương từ ngày 1/7/2024

Duy Anh |

Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Hà Ánh Phượng (giáo viên trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…

Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

Đề xuất lương giáo viên ở mức cao nhất trong thang bảng lương từ ngày 1/7/2024 - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu nhận thấy, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Bên cạnh đó, nhân viên trường học (khoảng 10% trong môi trường giáo dục) có vai trò quan trọng vận hành và phát triển nhà trường. Song dù họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành giáo dục.

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024), gồm:

- Xây dựng 5 bảng lương mới;

- Chế độ phụ cấp;

- Chế độ tiền thưởng;

- Chế độ nâng bậc lương;

- Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương;

- Quản lý tiền lương và thu nhập.

Sau năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại