Đại biểu Quốc hội: "Thầy cô bây giờ sợ cả động vào người học sinh"

Đ.CHUNG -C.NGUYÊN -T.TRUNG |

Các đại biểu Quốc hội kiến nghị trong dự Luật Giáo dục sửa đổi cần quy định cụ thể về vị trí người thầy, vai trò của giáo dục gia đình để đảm bảo trong trường học “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”.

"Ngày xưa, trượt tốt nghiệp, lưu ban là chuyện bình thường"

Sáng 21.5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đây là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu.

Góp ý về quy định độ tuổi học sinh trong dự án Luật Giáo dục sửa đổi , đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) bày tỏ nhiều trăn trở về các vấn đề “nóng” của ngành giáo dục, trong đó có việc giáo dục chạy theo thành tích, không cho học sinh “quyền” được lưu ban.

Ông nói: “Sao bây giờ giáo viên cái gì cũng sợ, đánh giá điểm thấp thì sợ học sinh buồn, cho các cháu lưu ban thì sợ cháu bị tổn thương. Thầy cô không dám đụng gì đến học trò vì sợ mạng xã hội chỉ trích…

Tôi rất băn khoăn, chẳng lẽ cha ông ta giáo dục thế hệ trước chẳng tốt hay sao. Phải chăng đổi mới là cứ phải làm khác cũ. Chúng ta ngược lại xem cha ông ta giáo dục thế nào.

Ông cha ta chọn thầy cho con là phải “hay chữ dữ đòn”, yêu thương con là "yêu cho roi cho vọt".

Thế rồi thế hệ chúng ta đi học, ở lớp lưu ban là chuyện bình thường. Có bạn lưu ban 2,3 năm, tốt nghiệp cấp 2,3 tỉ lệ thấp là chuyện bình thường; nhiều trường chỉ 60- 80% tốt nghiệp.

Các thầy cô trách phạt học sinh nhưng vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt là đúng, là bài học cho chúng ta hôm nay…”.

Ông Phương kiến nghị, dự án Luật Giáo dục sửa đổi nên quy định vào lớp 1 không dưới 6 tuổi, vào lớp 6 là không dưới 11 tuổi, vào lớp 10 không dưới 15 tuổi, bởi chuyện học trên tuổi là bình thường, có thể học tập suốt đời.

Đại biểu đoàn Ninh Bình cũng cho rằng cần kiên quyết ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục, nếu cứ kéo dài thì “con em chúng ta sẽ bị ảo tưởng với bản thân mình. Được xếp loại giỏi, toàn điểm 9, điểm 10 nhưng chưa chắc đã giỏi thật sự”.

Không thể đổ hết lỗi cho nhà trường

Cũng góp ý về dự án Luật Giáo dục , đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng những tiêu cực thi cử ở một số nơi bị phát hiện đã đẩy giáo dục vào tâm điểm dư luận trong suốt thời gian dài, để nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình.

Đại biểu Quốc hội: Thầy cô bây giờ sợ cả động vào người học sinh - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: Quochoi.vn

Ông Nhân cho rằng, vai trò trách nhiệm của gia đình, xã hội tham gia vào giáo dục cần quy định cụ thể hơn. Gia đình có trách nhiệm với việc hoàn thành phổ cập giáo dục bắt buộc của con cái.

Sẽ bất công nếu đổ hết lỗi cho ngành giáo dục, nhà trường. Bệ đỡ nhà trường không thể hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ của gia đình.

Đại biểu kiến nghị trong Luật Giáo dục sửa đổi nên bổ sung quy định về trách nhiệm của giáo dục gia đình, đặc biệt vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc cùng phối hợp để giáo dục học sinh.

Bởi gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục học sinh, cái sai của người lớn từ trong gia đình đến xã hội không chỉ là hệ lụy quá lớn trong giáo dục, nó còn góp phần "nhào nặn" nên nhân cách một con người.

“Các cụ nói "tu thân, tề gia". Những hành xử thiếu quy chuẩn, sẽ là bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Cần phải xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hành động xấu đến người học, trong đó giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng” - đại biểu Nhân góp ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại