Đại biểu Quốc hội tha thiết đề nghị luật hóa việc từ chức

Văn Kiên |

Bày tỏ sự không hài lòng khi trung ương đã có quy định về trách nhiệm nêu gương nhưng khi xảy ra vụ gian lận thi cử nghiêm trọng thì không ai xin từ chức, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nên luật hóa vấn đề này.

Chiều 3/6, thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ĐB Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với nguyên tắc ưu tiên đưa vào chương trình các dự án để triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư.

“Tôi nghĩ đây phải là một ưu tiên thực sự. Các ý kiến của trung ương, của Bộ Chính trị rất trí tuệ, rất đúng đắn và mang hơi thở cuộc sống”, ông Trí nói.

Tuy nhiên, để triển khai được các quy định của trung ương, ông Trí đề nghị phải luật hóa.

Nêu ví dụ về quy định về trách nhiệm nêu gương, trong đó nhấn mạnh, cán bộ thấy sai, không đủ điều kiện, không còn tín nhiệm thì nên chủ động từ chức, nhưng theo ông Trí, vụ gian lận thi cử nghiêm trọng cũng không thấy ai xin từ chức. “Tôi tha thiết Quốc hội phải luật hóa về vấn đề từ chức”, ông Trí nêu quan điểm.

Dẫn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu ý kiến của ông Park Hang Seo rằng: “Ở Việt Nam tôi thấy quá nhiều huấn luyện viên”, ông Trí nói: “ Tôi nghe vừa buồn cười và vừa đau xót, đó là một sự thật”.

Theo ông Trí, ở nước ta đã có hiện tượng ai cũng muốn là đại biểu Quốc hội, là đại biểu Quốc hội xuất sắc và cho rằng ý kiến của mình luôn đúng. “Cần thấy Quốc hội là dân chủ và Quốc hội phải theo đa số. Quốc hội là dân chủ khi phát biểu và đại biểu Quốc hội chỉ có quyền bấm nút thay mặt cử tri, nhưng chỉ được một nút, tức là bằng một phiếu. Nếu mình thuộc thiểu số thì phải chấp nhận, đó là nguyên tắc”, ông Trí nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại