Nêu ý kiến về dự thảo luật tố cáo (sửa đổi) vào chiều nay tại tổ, đại biểu Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ông rất nghi ngại về thống kê mới đây đưa ra gần 60% tố cáo là sai và đề nghị Quốc hội cần giám sát lại việc này.
Theo ông Dũng, điều mà người tố cáo mong muốn nhất là những vấn đề họ tố cáo có đến được cơ quan xử lý và đối tượng bị tố cáo có bị đưa ra ánh sáng, xử lý không?
Đồng thời, điều lo lắng của người tố cáo là bản thân họ có yên tâm, an toàn trước các thế lực, tạm thời gọi "thù địch" của người đi tố cáo hay không?
"Trong dự thảo Luật đã đặt vấn đề bảo vệ, chế độ cho người tố cáo nhưng tôi lại thấy rất lo lắng, bởi đọc như vậy thôi chứ tính khả thi còn nhiều vấn đề.
Nói cách khác, hay thì rất hay bởi nó như một Nghị quyết mang tính động viên còn để điều luật đi vào thực tiễn thì lại là vấn đề", ông bày tỏ.
Một vấn đề khác mà ông Dũng trao đổi thêm, đó là đến hiện tại nhìn lại những người tố cáo, điểm mặt chỉ tên lại người có công tố cáo sai phạm thì đều có "cuộc sống không ổn định, yếu tố tác động, tâm lý, tư tưởng, tình cảm, gia đình, vợ con họ đều chịu sức ép dư luận rất lớn".
"Ở cơ quan, đơn vị thì người tố cáo đó luôn luôn là nỗi ám ảnh của đồng nghiệp khi coi chừng vị này chuyên tố cáo.
Về làng xã lại bị lãnh đạo xã, thôn, bản, ấp coi là đối tượng có vấn đề, chuyên thưa kiện. Có thể nói, những người này không chơi được với ai và gần như bị cô lập", ông nêu.
Ông cũng dẫn ví dụ về vụ tố đất đai ở Hải Phòng của Đại tá Đinh Đình Phú hay gần đây nhất, hai cụ Nguyễn Công Uẩn, Nguyễn Tiến Lãng ở Bắc Ninh phát hiện giúp cơ quan chức năng gần 3.000 bộ hồ sơ thương binh giả, đang đề nghị khen tặng nhưng mãi vẫn chưa khen tặng.
"Hai cụ này đều là cựu chiến binh, hơn 80 tuổi và nếu đọc báo sẽ rớt nước mắt vì cuộc sống của họ rồi gia đình hai cụ phải đi trốn vì bị đe dọa.
Ngay tại Bắc Ninh sát Hà Nội mà lại xảy ra việc như vậy và dư luận cũng nêu, các cựu chiến binh thực sự khi tố cáo còn bị đe dọa như thế thì những người khác sẽ như thế nào.
Cho nên cơ chế, bảo vệ người tố cáo là rất quan trọng", ông Dũng nói thêm và giơ bài báo về hai cựu chiến binh.
Trước đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng không nên phân biệt giữa tố cáo bằng văn bản, tố cáo trực tiếp với tố cáo bằng fax, email, điện thoại.
Theo ông, ban soạn thảo chưa phân tích sâu và phân biệt rõ điều này nên mới coi việc truyền tin qua fax, email, điện thoại không phải là văn bản.
"Xét về bản chất, thì thông tin tố cáo mới là quan trọng nhất. Văn bản ở đây không nên hiểu chỉ là văn bản gốc, mà cần phải thừa nhận cả những văn bản được truyền qua fax, email và điện thoại.
Đó chính là hình thức giao dịch điện tử, mà thời đại công nghệ số đang diễn ra, không thể không thừa nhận. Chỉ có những thông tin bằng tin nhắn, giọng nói trên điện thoại thì không nên coi là văn bản thôi", ông Vân nói.
Đại biểu tỉnh Cà Mau cũng góp ý, việc "tố cáo trực tiếp" phải có điều kiện như: Có người chứng kiến, ghi biên bản, ghi âm... để tránh tình trạng "lời nói gió bay".