Cố đô Huế vốn nổi tiếng với những món ăn đơn giản, dân dã mà đậm đà, phong phú. Từ những bát bún bò Huế nóng hổi cho đến những loại bánh như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo,… ăn mãi không chán, hoặc hàng chục món chè cung đình khác nhau… Ấy thế mà có một đặc sản mà không nhiều du khách chú ý đến lại có thể gây thương nhớ chỉ sau một lần thưởng thức, đó là món bánh canh Nam Phổ.
Không giống những loại bánh canh khác, bánh canh Nam Phổ của Huế mang đặc trưng đất kinh kỳ, dù là lần đầu tiên hay là lần thứ bao nhiêu đến Huế cũng phải tìm đến bằng được đúng địa chỉ để thưởng thức. Sở dĩ gọi như vậy là bởi vì nó có xuất xứ từ làng Nam Phổ và là món ngon gia truyền của làng quê này.
Bánh canh Nam Phổ là món ngon gia truyền nức tiếng của làng Nam Phổ, thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Không chỉ đặc biệt ở tên gọi mà món ngon của ẩm thực Huế này cũng có bước chế biến, cách nấu đặc trưng kỳ công, tỉ mỉ, khác với những món bánh canh ở những địa phương khác.
Trước tiên, những sợi bánh phải nấu từ bột gạo pha với bột lọc theo tỷ lệ 3:1. Gạo để làm bánh canh phải là loại gạo ngon, đem xay cho thật mịn và hòa với nước lạnh, trộn đều để được một thứ bột sền sệt. Sau đó mang bột đi chưng cách thủy trong nước nhiều lần. Lưu ý ở bước này là nước không được sôi, bởi vì nếu sôi sẽ làm hỏng nồi bột.
Công đoạn này phải làm thật khéo để sợi bánh không bị gãy, rồi mới tiếp tục rê thành sợi nhỏ hơn để cho ra những sợi bánh vừa đẹp vừa đều. Bước cuối cùng là vớt bánh ra, ngâm với nước âm ấm. Lúc này sợi bột sẽ to lên một chút, nhưng nhờ vậy mà khi ăn, thực khách sẽ cảm thấy bánh mềm hơn.
Sau bước này, người dân xứ Huế sẽ tiến hành tạo hồ cho con bột bằng cách lấy nước luộc tôm và nêm gia vị vừa miệng, sau đó cho một ít bột lọc cùng một chút màu, trộn vào với bột để tạo thành con bánh canh. Thế là hoàn thành công đoạn tạo bột bánh cho nồi bánh canh xứ Huế.
Phần chả của bánh canh không dùng cá để nấu mà dùng tôm và thịt. Phần nhân tôm và thịt ba chỉ được làm sạch, mang đi giã nhuyễn, thường là giã bằng tay, vo viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sóng sánh tạo nên những miếng chả đỏ gạch, trông rất bắt mắt và kích thích vị giác. Một số đem đi luộc chín, bóc vỏ, vắt khô rồi mới giã nhuyễn với chả heo, bắt thành từng viên nhỏ, to khoảng bằng đầu ngón tay. Nhiều người địa phương còn gọi là viên nhụy.
Phần nước lèo của bánh canh Nam Phổ được nấu từ nước luộc tôm, cua tươi nên mang vị ngọt tự nhiên. Người Huế sẽ nêm thêm gia vị vừa ăn, cho phần nhụy vào nồi nước, có nơi cho thêm bột lọc và màu tự nhiên để nước có sắc hồng tươi. Người nấu sẽ đợi đến lúc bột trong nồi vừa chín tới, cho tôm và thịt viên vào, cùng lúc đó, phía đáy nồi bánh canh cũng vừa sền sệt vì đã được canh lửa để giữ nóng đủ độ cho món ăn.
Cuối cùng họ sẽ cho con bánh vào, cho thêm một ít rau răm, hành, ngò, ớt trái và múc ra tô cho khách thưởng thức. Một điểm đặc biệt khác mà thực khách không nên bỏ qua khi ăn bánh canh Nam Phổ là cho thêm nước mắm ruốc cay cay thêm vào tô. Chỉ cần vậy thôi là đủ kích thích vị giác của thực khách.
Một tô bánh canh Nam Phổ đúng điệu không chỉ thu hút bởi mùi vị, mà còn quyến rũ với màu sắc hài hòa được trình bày đẹp mắt. Thật khó có thể kiềm lòng trước một món ăn thơm ngon nóng bốc khói với màu trắng của con bánh xen lẫn nhân tôm thịt cùng sắc xanh mướt của hành lá. Khi ăn, thực khách sẽ trộn thêm chút nước mắm ớt xanh, cho thêm vài cọng ngò. Bát bánh canh Nam Phổ mang hương vị đậm đà của tôm thịt cùng sợi bánh canh hòa quyện với nước dùng ngọt mặn đan xen thấm vị.
Ăn bánh canh truyền thống Nam Phổ lúc còn nóng hôi hổi, múc từng miếng cho vào miệng, thực khách sẽ cảm nhận rõ được vị ngọt của tôm, cua, vị cay cay của ớt quyện với vị thơm của hành ngò, lưu lại hương vị mềm mại của từng con bánh từ bột gạo.