Quyết định đưa ra trong bối cảnh các nỗ lực nhằm kết thúc cuộc chiến dai dẳng đã bước qua năm thứ 7 tại quốc gia Trung Đông này vẫn đang lâm vào bế tắc.
Ông Staffan de Mistura là người thứ ba đảm nhận chức vụ Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở nước này năm 2011. Người tiền nhiệm của ông là cố Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan và nhà ngoại giao người Algeria Lakhdar Brahimi.
Cả hai đều đã từ chức sau khi không thể phá vỡ thế bế tắc toàn cầu liên quan đến cách thức kết thúc cuộc chiến tại Syria.
Là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, khi từng dẫn dắt khoảng 20 phái bộ Liên Hợp Quốc tại những điểm nóng như Afghanistan, Iraq, Bosnia hay Sudan, ông Staffan de Mistura, một người Italy gốc Thụy Điển vẫn luôn được đánh giá là người theo chủ nghĩa lạc quan.
Đây cũng có thể là lý do giải thích tại sao ông Mistura, 72 tuổi lại đồng ý đảm nhận vai trò Đặc phái viên Syria hồi tháng 7/2014, bất chấp thất bại của những người tiền nhiệm. Sứ mệnh của ông là: Chấm dứt bạo lực và các vụ vi phạm nhân quyền, thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Mistura cho biết quyết định từ chức của ông là “vì lý do cá nhân”, chứ không phải là do mệt mỏi vì không thể thúc đẩy được các cuộc đàm phán thực sự giữa các phe phái đối lập Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) như những thông tin đồn đoán.
Trong một phát biểu mới đây, cũng chính ông tự nhận mình một nhà đàm phán tốt, dù không phải là một lựa chọn hoàn hảo:
“Tôi đã nói với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres rằng lý do của tôi là hoàn toàn mang tính cá nhân, không phải là do sức khỏe, mà cơ bản là vì gia đình. Vì thế, không có gì để suy đoán về quyết định của tôi.
Vai trò Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria đã mang lại cho tôi nhiều thứ. Song sau 4 năm 4 tháng, giờ đã đến lúc tôi phải quan tâm hơn đến gia đình của mình”.
Cuộc xung đột tại Syria là một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất tại Trung Đông trong thế giới hiện đại: gần 8 năm, với hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người trở thành vô gia cư. Quân đội Chính phủ Syria dù đã giải phóng được hơn 90% lãnh thổ, song cuộc chiến tại đây vẫn chưa thể chấm dứt.
Hòa giải những lợi ích đối lập của các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như sự đối đầu giữa các cường quốc khu vực trực tiếp tham chiến tại Syria như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran và hơn hết là có thể khiến các bên tham chiến thay đổi lập trường không phải là điều dễ dàng.
Dù một số nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, vấn đề của ông Mistura chính là thái độ quá hòa giải nên không thể đưa ra những quyết định đúng thời điểm, song những gì ông làm được trên cương vị Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria là rất đáng ghi nhận nếu so với những người tiền nhiệm.
Đó là thành công trong việc duy trì tiến trình hòa đàm Geneva, một trong 2 khuôn khổ đàm phán đóng vai trò quan trọng nhất hiện nay nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Theo lộ trình hòa bình được nêu trong nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2015, các cuộc đàm phán phải tập trung vào các thể thức của một chính phủ trong tương lai tại Syria, soạn thảo văn kiện Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu tiến trình này, các phái đoàn của chính quyền Syria và phe đối lập vẫn chưa có lần đối mặt trực tiếp nào. Chuyến thăm mới đây nhất của ông tới Syria theo lời mời của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cũng không đạt được kết quả đáng ghi nhận nào.
Vì thế, theo các nhà phân tích, quyết định từ chức của ông là điều không thể tránh khỏi và hơn hết đã một lần nữa cho thấy cuộc khủng hoảng Syria vẫn là bài toán khó, thử thách quyết tâm và sự đoàn kết không chỉ của nhân dân Syria, mà cả cộng đồng quốc tế./.