Trung Quốc sẵn sàng mạnh tay chi tiền để tái thiết Syria
Những báo cáo khẳng định chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại được hơn 90% lãnh thổ Syria và việc thỏa thuận chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về khu vực phi quân sự ở Idlib có vẻ như đã vô hiệu hóa được cuộc xung đột ở Idlib, dường như là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ở Syria đã dần đến hồi kết.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng chi phí cho quá trình tái thiết Syria sau xung đột có thể tốn tới gần 400 tỷ USD - một khoản tiền quá lớn cho bất kỳ đối tác riêng lẻ nào.
Những hội chợ thương mại quốc tế gần đây đã thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư quốc tế lớn không thuộc các nước phương Tây, trong khi phần lớn các công ty Mỹ và EU bị “cho ra rìa” những cuộc thảo luận này [tại các hội chợ thương mại – ND].
Mặc dù Damascus nhận được nhiều lợi ích khi hợp tác cùng Nga, Lebanon và Iran nhưng không có quốc gia nào đủ khả năng tài chính để hỗ trợ cho quá trình tái thiết Syria như Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang có cơ hội để vừa tiếp cận được nền kinh tế Syria, vừa thắt chặt mối quan hệ có lợi về mặt địa chính trị với quốc gia này trong tương lai.
Ngày 15/9, Hội chợ Quốc tế Damascus lần thứ 60 có hơn 200 công ty Trung Quốc tham dự. Hội chợ này là dịp để Syria thu hút các khoản đầu tư trực tiếp và tìm kiếm các hợp đồng kinh doanh mạo hiểm của các công ty nước ngoài muốn làm ăn với quốc gia này. Vì các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Syria và các đồng minh của Syria nên cả Mỹ và EU đều không được mời tới tham dự Hội chợ năm nay.
Trong khi đó, với sự thể hiện ít cạnh tranh hơn, Trung Quốc cam kết sẽ sản xuất ô tô tại Syria, cung cấp các bệnh viện di động và tái khẳng định về tham vọng phát triển cơ sở hạ tầng của Syria sau chiến tranh.
Tuy nhiên, Mỹ và các nước EU vẫn được phép tham dự Triển lãm Thương mại Quốc tế về Tái thiết Syria diễn ra ngày 6/10.
Nói là "được phép" nhưng phương Tây chính xác là không được chào đón ở đây. Giám đốc một công ty lớn về sản xuất mái lợp ở Syria đã khẳng định: "Tôi không hy vọng phương Tây sẽ đến đây bởi vì họ đã "nhúng tay" vào cuộc chiến chống lại Syria".
Cũng trong thời điểm đó, Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc gián tiếp khẳng định rằng Mỹ thậm chí không hứng thú với việc hỗ trợ "tái thiết Syria" và cho rằng làm như vậy thật "ngớ ngẩn".
Thực tế thì sau khi thông qua Đạo luật Bảo vệ Dân thường Syria Ceasar, Mỹ củng cố cam kết áp đặt các lệnh trừng phạt lên các chính phủ đồng minh của Tổng thống Assad và các thể chế tài chính ủng hộ ông.
Tham vọng kinh tế và địa chính trị của Bắc Kinh
Trong khi Mỹ ngày càng gây sức ép lên chính phủ Syria, quốc gia này có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ tái thiết từ bên ngoài và Bắc Kinh luôn sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống đó.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều bước đi đầy tham vọng để định nghĩa bản thân như một nhà đầu tư quan tâm đến các vấn đề của Syria cũng như sự phát triển và an ninh của khu vực Trung Đông.
Diễn đàn Hợp tác các nước Arab và Trung Quốc hồi tháng 7/2018 cam kết dành 20 tỷ USD cho các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng và gần 100 triệu USD gói cứu trợ nhân đạo cho Syria và Yemen.
Ngoài những tham vọng về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng nỗ lực để đạt được những ảnh hưởng về địa chính trị với những hứa hẹn sẽ hợp tác rộng rãi hơn với một Syria ổn định sau cuộc chiến.
Với sự ủng hộ của ông Assad, Trung Quốc có thể sẽ đưa Damascus vào hành lang kinh tế Trung Quốc - Trung Á - Tây Á như một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như thúc đẩy một thỏa thuận cho việc phát triển và tiếp cận cảng Tartus của Syria.
Những tham vọng của Trung Quốc không phải là không có cơ sở. Ngày 9/10, một tàu chở hàng với 10.000 container đã cập cảng Tripoli của Lebanon, mở ra tuyến vận chuyển giữa Bắc Kinh và một cảng biển dài chưa tới 30km từ biên giới Syria và Lebanon.
Ngày 10/10, Trung Quốc đã tổ chức một lễ kỷ niệm ở Lattakia - một cảng biển quan trọng của Syria để thông báo về việc Bắc Kinh sẽ hỗ trợ cho khu vực này 800 máy phát điện.
Đây chỉ là một vài trong số những dẫn chứng cho thấy Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở Syria và khu vực qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và tái thiết.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự ảnh hưởng ngày càng suy giảm của phương Tây trong cuộc xung đột Syria đang tạo thêm cơ hội vàng cho Bắc Kinh để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác với Damascus.
Tuần lễ Kiến thiết Syria - một sự kiện thương mại được tổ chức ở Damascus từ 12 - 15/11 sẽ cho biết quốc gia nào có ảnh hưởng bao trùm lên công cuộc tái thiết và phục hồi Syria.
Tuy nhiên, cũng có thể viễn cảnh diễn ra sẽ không có mấy bất ngờ với sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà đầu tư ủng hộ ông Assad, sự vắng mặt của các đại diện phương Tây và một Trung Quốc luôn sẵn sàng "rút tiền" ra để tăng cường ảnh hưởng./.