Khoảng 9h tối 4/6, ngay sau khi xảy ra vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 chở hàng chục du khách bị lật úp trên sông Hàn, PV Infonet cùng một PV của Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng là hai PV đầu tiên và duy nhất nhảy lên được tàu du lịch 4U Sông Hàn đưa Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng (và sau đó là Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ) ra tiếp cận hiện trường.
Giữa lúc tình hình đang rất căng thẳng, một cán bộ của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng báo cáo: “Tàu này trước đây đã bị CSGT đường thủy xử lý, đồng thời thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thì đã đưa ổng vào neo đậu ngay chỗ Cảng vụ đường thủy nội địa, nhưng thực tế là quản lý không được!”.
Ông Đặng Việt Dũng hỏi ngay: “Vì sao như vậy?”.
Anh cán bộ này nhường lời cho trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Đà Nẵng.
Trung tá Đặng Hữu Tài cho hay, 3 ngày trước khi xảy ra vụ chìm tàu, Sở GTVT Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành hữu quan và có chủ trương đưa 3 chiếc tàu không đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, trong đó có tàu Thảo Vân 2, ra khỏi khu vực cảng Sông Hàn.
“Tại cuộc họp, CSGT đường thủy không thống nhất với chủ trương này, vì quản lý nhà nước thì không thể để cho những chiếc tàu như thế trôi nổi mà phải cẩu số tàu đó lên bờ, như trước đây UBND TP Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo.
Theo đó, các tàu du lịch được đưa về neo đậu tập trung tại cảng Sông Hàn. Những tàu nào không đảm bảo tiêu chuẩn, sau một thời gian không làm được thủ tục thì phải đưa lên bờ, không để ở dưới sông!” – Trung tá Đặng Hữu Tài cho biết.
Tuy nhiên ông cũng báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng là Sở GTVT cho rằng nếu cẩu lên bờ thì phải tiêu tốn chi phí và có thể làm hư hỏng phương tiện của chủ tàu nên đưa ra phương án gom hết những chiếc tàu đó về đoạn cuối của cảng Sông Hàn, gần Trạm Biên phòng và Cảng vụ đường thủy nội địa để hai đơn vị này quản lý.
Cuộc họp thống nhất với phương án này và 3 chiếc tàu chưa đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ, trong đó có tàu Thảo Vân, đã được đưa về neo đậu tại vị trí nêu trên.
“Nhưng tối nay, nói chung tình trạng xuất bến thì người ta không thông qua cảng vụ mà đi chui nên các đơn vị cũng rất bất ngờ. Cảng vụ cũng không biết, quản lý bến cũng không biết luôn!” – Trung tá Đặng Hữu Tài nói.
Cũng theo ông, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, chủ tàu Thảo Vân 2 khai bán được khoảng 20 vé, ngoài ra còn có một số người khác lên tàu nhưng không có vé.
Đặc biệt, trung tá Đặng Hữu Tài cho hay, khi tai nạn xảy ra thì trên bờ không ai biết. Chỉ có các tàu du lịch đang hoạt động trên sông mới biết và tới cứu giúp.
Và chỉ khi có các nạn nhân được cứu đưa vào bờ thì lực lượng chức năng ở trên bờ mới biết, nên mất rất nhiều thời gian sau khi xảy ra tai nạn mới tiếp cận được hiện trường.
“Tàu Thảo Vân 2 xuất bến ở cảng Sông Hàn, ngay chỗ Cảng vụ đường thủy nội địa và Trạm kiểm soát biên phòng mà lại bảo là đi “chui” thì về mặt quản lý, ai phải chịu trách nhiệm về việc này?”.
Chúng tôi đặt câu hỏi với trung tá Đặng Hữu Tài ngay tại thời điểm đó.
Trung tá Đặng Hữu Tài nhỏ giọng: “Nói ra thì đụng chạm tới vấn đề quản lý đối với một chủ trương của TP này chứ không phải riêng của một ngành nào đâu.
Vì sao? Vì quản lý du lịch đường sông của mình từ xưa tới nay chưa nhất quán, chưa có nề nếp, chưa có một cái gì hết.
Bến đó cũng chỉ là bến tạm thời, người ta dồn hết thuyền vào đó. Sau này các ông thấy nguy hiểm nên mới chỉ đạo đưa mấy chiếc tàu không đảm bảo tiêu chuẩn lên bờ, nhưng không thực hiện được điều đó.
Có chủ trương rồi nhưng không thực hiện được!”.
Như vậy có thể thấy, không chỉ có Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng Lê Sáu và Đội trưởng Đội quản lý cảng Sông Hàn Nguyễn Công Hiệu phải chịu trách nhiệm về việc tàu Thảo Vân 2 xuất bến “chui” mà còn có trách nhiệm của các sở, ngành tham dự cuộc họp trước khi xảy ra vụ tai nạn 3 ngày vì đã không đưa chiếc tàu này lên bờ theo đúng chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.
Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng!