• 7/4

    Thủ tướng nhậm chức:

    "Sẽ nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân"

  • 29/4

    Gặp gỡ và đối thoại với doanh nhân. Thủ tướng cam kết:

    "Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp" và "không hình sự hoá các quan hệ kinh tế"

  • 30/4

    Giao lưu với công nhân 8 tỉnh thành phía Nam.

    Khi một nữ công nhân ở Đồng Nai nói "Thủ tướng ở xa quá", ông đi xuống tận nơi các công nhân ngồi để nghe và đối thoại.

  • 5/6

    Trực tiếp đến hiện trường, an ủi động viên người nhà nạn nhân vụ chìm tàu Đà Nẵng.

  • 8/8

    Đi bộ phố cổ Hội An, chụp ảnh selfie với du khách. Vui vẻ chụp hình selfie với khách du lịch, và nói:

    "Tôi quảng bá cho du lịch Hội An đấy nhé!".

  • 15/8

    Thăm trang trại của nông dân nông thôn mới Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An.

  • 17/8

    Xin lỗi người dân về xe công đi vào phố cổ Hội An:

    "Thủ tướng đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ôtô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm"

  • 27/8

    Thăm công nhân thi công hầm đèo Cả.

    "Chính phủ đã ban hành và sẽ triển khai tốt hơn về ưu đãi đất đai, cho vay lãi suất thấp, vận động xã hội hóa để hỗ trợ nhà ở, nhà trẻ cho công nhân. Nhất quyết không được để con em thất học vì không có trường lớp"

  • 27/9

    5h sáng thị sát chợ rau quả Long Biên, Hà Nội:

    “Hãy nói không với thực phẩm, rau củ quả không đảm bảo chất lượng, nhập khẩu từ nơi không đảm bảo, không rõ nguồn gốc. Bà con hãy nhớ sức khoẻ của cộng đồng chính là tương lai, là con cháu của chúng ta.”

  • 27/9

    Trò chuyện với nông dân trên ruộng rau Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội:

    “Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng là rất độc hại, ảnh hưởng đến giống nòi và rau không sạch cũng không thể bán được, người tiêu dùng sẽ quay lưng, dù chỉ một nhà làm gian dối”

  • 8/10

    Ăn phở, uống café đá 8.000 đồng ở Tân Phú, TP. HCM:

    “Cà phê được đó"

  • 8/10

    Ăn thử cơm công nhân ở Bình Chánh:

    “Cơm dẻo, đồ ăn khá ngon, nhưng chị nhớ phải sạch sẽ hơn nữa nhé. Cái khay tôi sờ còn trơn mỡ đấy”.

Các bác cử tri nhắc nhiều đến việc Thủ tướng xuống chợ như thế nào, gặp gỡ bà con, thị sát rau sạch, vệ sinh an toàn toàn thực phẩm... cho thấy cả bộ máy đang chuyển động và chúng ta mừng trước điều đó

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Khi dân có việc thì cần có hệ thống chính trị đến động viên, thăm hỏi về vật chất, tinh thần để họ cảm thấy ấm áp khi có Đảng, Nhà nước bên cạnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

THỦ TƯỚNG GẦN DÂN DƯỚI CON MẮT CHUYÊN GIA

  • TS. Lê Đăng Doanh
    Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ

    Ngày trước, khi đến thăm một cơ sở, bao giờ Bác cũng đến thăm nhà vệ sinh và đến thăm bếp ăn và nhà ăn. Tôi còn nhớ, tôi học trường Việt - Đức năm 1955, Bác Hồ đến thăm trường và đi đến nhà vệ sinh của trường đó mà vị Hiệu trưởng không biết. Sau đó, Hồ Chủ tịch đã nói chuyện với Hiệu trưởng và hỏi Hiệu trưởng có đến đây không. Vị hiệu trưởng nói là chưa bao giờ đến nhà vệ sinh của học sinh cả. Sau đó thì mọi việc biến chuyển tích cực.

    Tôi hoan nghênh hành động “vi hành” của Thủ tướng. Tôi coi đó là các biểu hiện có tính chất đổi mới trong tác phong làm việc của người đứng đầu Chính phủ. Đó là một vị Thủ tướng gần dân và đã có những nỗ lực để “vi hành”, trực tiếp tìm hiểu thực tế chứ không chỉ nghe báo cáo với những hành động cụ thể, thiết thực. Tôi đánh giá cao hơn việc đó là nỗ lực của Thủ tướng là muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”

    Vấn đề là cần phải có những kế hoạch cụ thể và những chương trình hành động để tạo ra những chuyển biến cụ thể trong bộ máy hành chính.

  • Ông Trần Quốc Thuận
    Nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội

    Tôi đánh giá cao những hành động thể hiện sự gần dân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian qua. Trong đó, việc đoàn xe đi sau Thủ tướng khi đi bộ ở Hội An không phải do lỗi của ông mà là do ban tổ chức, tuy nhiên, ông đã nhận trách nhiệm là người đứng đầu và xin lỗi đó là một thông điệp truyền tải nhiều ý nghĩa tốt.

    Việc Thủ tướng nhận trách nhiệm đó sẽ giúp các quan chức ở dưới cần phải có thái độ, trách nhiệm rõ ràng trước những sự việc liên quan đến mình. Đồng thời, nó cho thấy rõ một Chính phủ liêm chính, công khai, minh bạch mà chúng ta đang hướng tới.

  • Bà Phạm Chi Lan
    Nguyên Phó Chủ tịch VCCI

    Trong bối cảnh một bộ phận lãnh đạo, cán bộ càng ngày càng quan liêu, xa dân, nhất là các tầng dưới, thì việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đi thị sát chợ Long Biên, xuống đồng ruộng, gặp người dân rồi ăn phở, uống cà phê ở TP Hồ Chí Minh là điều rất quý, cho thấy sự gần dân của Ông.

    Nhưng điều quan trọng hơn, tôi mong những thông điệp Thủ tướng nêu ra qua hình ảnh của mình, phải được các cấp dưới thực hiện để thay đổi cung cách làm việc.

  • PGS.TS Trịnh Hòa Bình
    Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học VN

    Thời gian vừa qua, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang khiến xã hội rất bức xúc nên việc Thủ tướng trực tiếp xuống kiểm tra tại chợ Long Biên rồi vào quán ăn phở, uống cà phê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy sự quan tâm lớn của người đứng đầu Chính phủ.

    Việc Thủ tướng vào quán ăn phở, uống cà phê đã cho thấy những tác động tích cực, thể hiện sự gần gũi, gần dân của người đứng đầu Chính phủ và chắc chắn sau đây, các lãnh đạo cấp dưới sẽ phải nhìn vào hình ảnh này để có sự thay đổi.

  • Bà Đặng Thanh Vân
    Chuyên gia truyền thông, CEO cty Thanhs

    Bản thân các nhà lãnh đạo đều xuất phát từ dân và gia đình của họ cũng gắn với nhân dân chứ không phải ở tầng lớp khác. Chính vì vậy, tôi không quá ngạc nhiên với chuỗi vi hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây.

    Tuy nhiên dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về chiến lược nhân hiệu lãnh đạo, tôi rất mừng và yêu quý những hình ảnh đó. Tôi đặc biệt thích hình ảnh đoàn công tác của Thủ tướng ngồi ăn phở và uống cafe đá.

    Trên bình diện chiến lược nhân hiệu, có một phạm trù mà các nhà lãnh đạo đều cần hướng đến để trở thành. Đó là các hình mẫu. Ở đây, Thủ tướng đang hướng tới một nhà lãnh đạo gần dân, của Nhân dân. Điển hình của hình mẫu này trước tiên chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với các nhà lãnh đạo chọn hình mẫu đời thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là tấm gương chói sáng.

    Việc gần dân đương nhiên chưa khi nào hết giá trị, nếu hướng tới hình tượng Chính phủ liêm chính, vì lợi ích nhân dân sẽ được lòng dân hơn nữa.

  • Ông Nguyễn Thanh Sơn
    Chuyên gia truyền thông, Tổng Giám đốc T&A Ogilvy

    Trong các thông điệp của Thủ tướng, có lẽ thông điệp “chính phủ kiến tạo” là thông điệp quan trọng nhất. Sau gần 30 năm mở cửa và phát triển, một số sai lầm trong phát triển của chúng ta bắt đầu lộ rõ và ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của xã hội và nhân dân.

    Sửa chữa những sai lầm này cần có sự ủng hộ và góp sức của cả xã hội. Cho nên, khi nói tới “kiến tạo”, thì điều đầu tiên cần “kiến tạo lại” là lòng tin của nhân dân. Nhân dân cần có lại được sự tin tưởng rằng chính quyền này là chính quyền của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và hành động vì lợi ích của toàn dân. Nếu làm được điều đó, chính phủ có thể huy động được các nguồn lực và có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn này.

    Những hành động thể hiện sự gần gũi người dân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện những bước đi đầu tiên của một “chính phủ kiến tạo”. Mong rằng các quan chức khác cũng noi theo tinh thần này.

  • Bà Nguyễn Thanh Hải
    Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội

    “Đứng trên góc độ Dân nguyện thì thấy rằng hình ảnh gần gũi nhân dân của Thủ tướng Chính phủ rất có lợi cho công tác điều hành chính phủ của Thủ tướng nói riêng và tất cả các thành viên chính phủ nói chung.

    Khi kiểm tra về công tác sệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP HCM, trước khi làm việc với lãnh đạo thành phố, Thủ tướng đã trực tiếp “vi hành” tại chợ đầu mối Long Biên và một làng trồng rau tại huyện Gia Lâm để nắm bắt tình hình thực tế, hay ăn sáng ngay tại một hàng phở “bình dân” qua đó kiểm tra thực tế về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng đã có những nhận xét, đánh giá hết sức thực tế và gần gũi qua những dịp vi hành như “cô Chủ tịch Phường nói vanh vách về vệ sinh an toàn thực phẩm”…

    Theo tôi điểm lợi quan trọng và có tác dụng lớn nhất là, qua những dịp “vi hành” gần gũi người dân như vậy, Thủ tướng sẽ xây dựng được một hình ảnh gần gũi, thân thiện với nhân dân qua đó người dân sẽ tin tưởng, thấu hiểu và chia sẻ hơn với những khó khăn của Thủ tướng, của Chính phủ để đồng lòng xây đựng đất nước.

  • Ông Vũ Mão
    Nguyên Chủ nhiệm VPQH

    Từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiệm vụ, tôi thấy Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm rất cao để có một sự chuyển biến trong bộ máy công quyền của đất nước và tạo một công việc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên đạt hiệu quả thiết thực đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân.

    Việc làm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là rất đáng hoan nghênh, được nhân dân đồng tình. Việc đó thể hiện rằng người đứng đầu Chính phủ có một nhận thức mới, hiểu rõ trách nhiệm của mình: Phận sự của mình là phục vụ nhân dân chứ không phải là quản lý nhân dân. Đó là tư tưởng rất tốt. Đây không phải là điều mới nhưng việc nhận thức đầy đủ và hành động thì đó là điều rất quan trọng. Từ đó đòi hỏi sự chuyển biến đồng bộ của cơ quan công quyền, của công chức Nhà nước”.

  • Ông Nguyễn Quốc Thước
    Trung tướng

    Tôi rất hoan nghênh hoạt động của Thủ tướng. Nếu đi vào thực chất thì đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây - quan điểm của người đứng đầu Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đó cần được coi là một phẩm chất của một người đứng đầu Nhà nước. Càng đi về gần với dân bao nhiêu thì người đứng đầu Nhà nước lại càng được sự tin mến của người dân bấy nhiêu. Nếu không gần người dân thì không thể hiểu được cuộc sống của người dân và từ đó khó có thể có những chủ trương, chính sách đúng đắn. Mà tất cả mọi chủ trương đều là vì lợi ích của người dân.

    Việc nghe ý kiến người dân phải xuất phát từ trái tim thì mới hiểu dân thực sự là dân muốn gì, dân cần gì, dân còn khó khăn ở điểm nào.

  • Bùi Kiến Thành
    Chuyên gia kinh tế

    Khi người cầm đầu chính phủ có những hoạt động thể hiện sự gần gũi với người dân, nhân dân sẽ cảm nhận được sự quan tâm của nhà nước và sẽ nhiệt tình ủng hộ những chính sách chủ trương đường lối của chính phủ. Vấn đề quan trọng là quyết tâm thực hiện những việc ích nước lợi dân.

    Từ ngày nhậm chức Thủ tướng đã có nhiều hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực, riêng đối với kinh tế và doanh nghiệp Thủ tướng đã có nhiều quyết định quan trọng nhằm giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và phát triển. Tiếp đến sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhất là xây dựng một chính sách tiền tệ hiện đại, đảm bảo cho phát triển ổn định, lâu bền, vững chắc.