Đà Nẵng về đêm
Xây dựng đô thị nén
Ngày 29/3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo quy hoạch, toàn bộ địa giới hành chính của Đà Nẵng với diện tích hơn 129.000 hecta. Diện tích đất xây dựng đô thị đến 2030 khoảng 31.836 ha, chiếm khoảng 32,31% diện tích đất trên đất liền. Dự báo đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ có 1,79 triệu người trong đó 1,56 triệu người thường trú và tạm trú, số còn lại là khách du lịch, người đến làm việc tạm thời.
Đà Nẵng cũng sẽ thay đổi cấu trúc đô thị thành 3 vùng đô thị đặc trưng gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và sinh thái.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao các nghị định, quyết định của Chính phủ cho lãnh đạo TP Đà Nẵng
Thành phố cũng thiết lập 2 vành đai kinh tế phát triển riêng biệt gồm vành đai phía Bắc là Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics; Vành đai phía Nam là Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, trong quy hoạch đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ chuyển đổi mô hình phát triển dàn trải, sử dụng đất đơn năng như hiện nay với các dự án làng đại học, khu công nghiệp hay đô thị phát triển đơn cực thành đô thị nén.
Các đô thị nén sử dụng đất đa năng bao gồm nhiều chức năng như đô thị Đại học, Công nghệ cao, Sân bay, cảng biển… sử dụng đất hỗn hợp, đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ, phát triển đa cực, đa trung tâm.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Trong kế hoạch phát triển đến năm 2030, nhiều siêu dự án cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng. Trong đó, dự án Cảng Liên Chiểu, Ga đường sắt, Làng Đại học Đà Nẵng… sẽ sử dụng nguồn vốn Trung ương.
Các dự án sử dụng nguồn vốn địa phương như Hầm qua sông Hàn, Hầm qua sân bay, các dự án phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, nhiều dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa như Tổ hợp Trung tâm tài chính, Khu du lịch Làng Vân, Tổ hợp pháo hoa quốc tế, Khu đô thị phi thuế quan...
"Thành công của doanh nghiệp là sự thành công của Đà Nẵng"
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã khắc phục được những tồn tại trước đây và giúp sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu…
Theo Chủ tịch Đà Nẵng, quy hoạch lần này đã định hình rõ việc sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị… để đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của TP trong giai đoạn mới.
Ông Chinh cho rằng sự phát triển của Đà Nẵng thời gian qua là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ và tin tưởng của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành. Đà Nẵng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và tin tưởng từ Trung ương trong thời gian tới để tiếp tục tiến lên.
Đặc biệt, sự phát triển của Đà Nẵng còn nhờ chính từ khát vọng thay đổi của người dân thành phố và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cung đường ven biển Đà Nẵng
"Chúng tôi xin được cảm ơn sự lựa chọn, đồng hành và cống hiến của quý vị đối với Đà Nẵng trong thời gian qua.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh như công khai, minh bạch về tài nguyên đất đai, cải cách thủ tục hành chính với tinh thần đúng pháp luật nhưng nhanh gọn, thuận lợi nhất.
Chính quyền sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quan điểm: "sự thành công của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư là sự thành công của thành phố".
Đà Nẵng sẽ không ngừng phấn đấu để ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới. Đà Nẵng có thể chưa phải là nơi tốt nhất, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành nơi bạn hài lòng nhất", ông Chinh nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung ngày 4/12/2013. Từ đó, trở thành một thành phố phát triển mạnh mẽ, thành phố đáng sống.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện Quy hoạch chung năm 2013, đến nay nhiều nội dung đã không còn phù hợp với tình hình, tầm nhìn mới hiện nay. Quy hoạch mới đã có những điều chỉnh, bổ sung, cập nhật cho phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế, vị trí, tài nguyên để phát triển Đà Nẵng…
Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ và hoàn thiện.
"Tôi đề nghị các Bộ, ngành trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Đà Nẵng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị định, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…
Tôi tin với những định hướng phát triển mới Đà Nẵng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới để trở thành một thành phố phát triển văn minh, hiện đại, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và sẽ trở thành một động lực mới cho phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá", Phó thủ tướng nhấn mạnh.