Đà Nẵng từng có hơn 5.800 tổ dân phố, trong đó có quận rộng 9,4km2 nhưng có đến 1.278 tổ. Quá nhiều tổ trưởng dân phố gây khó khăn về ngân sách. Từ tháng 8/2017, sau khi HĐND TP thông qua Đề án sắp xếp tổ dân phố, chính quyền Đà Nẵng đã bắt tay vào việc.
Giảm gần 3.000 tổ dân phố
Đến nay, số lượng tổ dân phố còn 2.784 tổ (giảm 2.965 tổ so với trước đây). Trong số này có 12 tổ dưới 50 hộ, 2.603 tổ 50-90 hộ, 169 tổ trên 90 hộ.
Mỗi tổ sẽ có 1 tổ trưởng (phụ cấp hàng tháng tương đương 0,5% mức lương cơ sở) và 1 tổ phó (0,3% mức lương cơ sở).
Sau khi sắp xếp, chỉ tính riêng kinh phí phụ cấp tổ dân phố, ngân sách thành phố tiết kiệm được 9,672 tỷ đồng/năm. Đồng thời còn giúp các địa phương thuận tiện hơn trong việc quản lý.
Sau tổ dân phố, Sở Nội vụ Đà Nẵng tiếp tục xây dựng đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố. Đề án này đã được UBND TP Đà Nẵng thông qua.
Theo thống kê của Sở Nội vụ Đà Nẵng, năm 1997, thành phố có 285 đơn vị sự nghiệp công lập với 9.353 người. Đến năm 2017 có 409 đơn vị sự nghiệp với 22.065 người.
Các đơn vị sự nghiệp chủ yếu do ngân sách đảm bảo, trong đó đảm bảo toàn bộ là 307 đơn vị, đảm bảo một phần là 68 đơn vị…
Theo báo cáo quyết toán tài chính ngân sách năm 2016, chi thường xuyên là 6.133 tỷ đồng, chiếm khoảng 55,8% tổng chi ngân sách.
Chi tiền lương cho bộ máy hành chính, sự nghiệp khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 41% chi thường xuyên, trong đó khối sự nghiệp chiếm 80%.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết: Sở Nội vụ đã xây dựng dự thảo đề án sắp xếp để hoàn chỉnh Đề án. “Hiện đề án đã được UBND TP thông qua.
Theo quy trình sẽ báo cáo thường trực Thành ủy, sau khi có ý kiến thống nhất, Sở sẽ triển khai”, ông Đồng cho biết.
Phấn đấu giảm 21 đơn vị
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu giảm 21 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể là 15 đơn vị, chuyển sang công ty cổ phần là 6 đơn vị.
Đến năm 2020, giảm ít nhất 2.000 biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo tính toán, sau khi đề án này triển khai mỗi năm ngân sách nhà nước tiết kiệm khoảng 200 tỷ đồng.
Theo ông Đồng, Sở Nội vụ đã làm việc với các sở ngành về phương án trên, và đã nhận được sự đồng thuận cao. Trong khi chờ xin ý kiến Thành ủy thì các đơn vị cũng đã xây dựng các đề án riêng để triển khai khi có chủ trương thống nhất.
“Hiện nay, nhìn đâu cũng thấy lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên. Việc sáp nhập sẽ cắt giảm bộ máy gián tiếp, làm tăng bộ phận chuyên môn người làm trực tiếp. Không chỉ giảm ngân sách mà còn tăng hiệu quả làm việc”, ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, 6 đơn vị của Sở Y tế, gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế, mỗi đơn vị có trưởng, phó phòng, thủ quỹ, văn thư...gây lãng phí ngân sách.
6 đơn vị này sẽ sáp nhập thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), khi đó sẽ giảm số lượng người làm việc gián tiếp, tăng số lượng ở bộ phận chuyên môn, tăng hiệu quả công việc so với hiện nay.
Ngoài ra, ông Đồng cũng cho biết: việc sáp nhập còn có quy định về tổ chức mỗi đơn vị. Quy định rõ số lượng bao nhiêu mới được thành lập phòng chức năng. Việc làm này để không thể phát sinh trường hợp lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên.
Theo đó, đơn vị dưới 30 người chỉ 1 cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người 2 cấp phó.
Đơn vị y tế điều trị có từ 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó; đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng ở nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì Chủ tịch UBND thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện không quá 3 cấp phó.