Bộ nào dư biên chế nhiều nhất?

CHÂN LUẬN |

Việc giao biên chế không sát với nhiệm vụ được giao ở các tổng cục, cục, vụ ở các bộ.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, sáng nay 30-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Bộ nào dư biên chế nhiều nhất? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội đọc báo cáo của Đoàn giám sát

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, việc quản lý biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2011-2016 được thực hiện thống nhất trên cả nước theo quy định của nhiều Luật và Nghị định.

Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện trong giai đoạn 2011 - 2016 có xu hướng giảm.

Đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế và tiếp tục giảm trong năm 2017. Một số Bộ, ngành, địa phương đã tích cực sắp xếp lại tổ chức bộ máy để tinh giản biên chế.

Cũng theo báo cáo, đa số các Bộ, ngành, địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật, thực hiện quản lý và sử dụng đúng, thậm chí ít hơn số biên chế được giao.

Trong đó, có 1 Bộ và 1 cơ quan ngang Bộ sử dụng đúng biên chế, 13/15 Bộ không sử dụng hết biên chế được giao tại các tổng cục trực thuộc; 20/20 Bộ, cơ quan ngang Bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc.

Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ còn dư biên chế với số lượng khá lớn. Cụ thể như: Bộ Tài chính còn dư 6.318/71.714 biên chế, Bộ Tư pháp dư 385/9.807 biên chế; Bộ Nội vụ còn dư 492/872 biên chế, Bộ Ngoại giao dư 334/1.179 biên chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dư 126/586 biên chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604/4.986 biên chế tại các vụ, cục...

Bộ nào dư biên chế nhiều nhất? - Ảnh 2.

Đại biểu Cao Thị Xuân đặt vấn đề về "xin-cho" trong biên chế

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định, đây là những “con số biết nói” và cho rằng: “Rõ ràng việc giao biên chế không sát với nhiệm vụ được giao ở các tổng cục, cục, vụ ở các bộ”.

Theo đại biểu Xuân, đây không chỉ xu thế cá biệt ở các bộ ngành mà còn là xu thế phổ biến. “Nếu đặt vấn đề này bên cạnh một só bộ ngành dư biên chế nhưng vẫn xin biên chế thì buộc chúng ta phải suy nghĩ đến ba vấn đề”, đại biểu Xuân nói.

Cụ thể hơn, đại biểu Xuân đặt vấn đề:

Một là: phải chăng có cơ chế xin cho, mạnh ngành nào thì ngành nấy xin cho ngành mình, không cần biết hệ lụy của việc này, tạo gánh nặng cho ngân sách và quỹ lương?

Hai là: Hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tinh giảm biên chế 10% đến năm 2020. Vấn đề là có quyết tâm làm được hay không.

Ba là: Cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác xác định giao biên cho một cơ quan đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Đảng nhà nước về tinh giảm biên chế.

Nhận định chung, đại biểu Xuân nói: “Thời gian qua, thẩm quyền quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan nên thiếu thống nhất và thiếu tập trung”.

Đại biểu Xuân kể mới hôm qua, bà vào website của một tỉnh thì thấy chủ tịch UBND tỉnh phải kiêm nhiệm là trưởng ban của 27 tổ chức chuyên ngành, một phó chủ tịch làm trưởng ban của 10-25 tổ chức.

“Tình trạng này gây lãng phí kinh phí, cũng như thời gian của lãnh đạo khi dành nhiều thời gian cho họp hành”, đại biểu Xuân kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại