Năm 2017, riêng Samsung chiếm khoảng 25% trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 227 tỷ USD của Việt Nam. Trong tổng danh mục hàng hóa xuất khẩu, thép và sản phẩm nội thất cũng có đóng góp quan trọng.
Người Việt Nam đang cố gắng tăng thêm giá trị cho hàng hóa theo một cách rất đáng ngạc nhiên, người ta hoàn toàn có thể dễ dàng chứng kiến điều này ở Đà Nẵng, theo câu chuyện được báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) đăng tải.
Anh Nguyễn Bá Hội không sản xuất điện thoại thông minh hay thép phục vụ xuất khẩu. Thay vào đó, anh tập trung vào tham vọng phát triển Việt Nam thành một trung tâm đổi mới và sáng tạo.
Anh đang dành thời gian phát triển “Maker Spaces”, không gian nơi những người ưa sáng tạo có thể tập trung và thử nghiệm sản phẩm mới. Loại hình không gian như thế này đang phát triển nhanh chóng khắp khu vực.
Anh Hội chia sẻ: “Sinh viên đại học đến đây để nghiên cứu về toán hoặc cách làm ra một dụng cụ âm nhạc trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đồng thời thiết kế ra một thiết bị để hỗ trợ cho những người bị đột quỵ”.
Anh Hội đã thiết kế ra không gian sáng tạo này tại khu học xá của đại học Đà Nẵng. Không gian sáng tạo có đầy đủ máy in 3D, máy cắt lazer và tất cả những thiết bị công nghệ hỗ trợ hiện đại.
Để có được cuộc sống như hiện tại, anh Hội đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Anh chia sẻ: “Cả hai bố mẹ tôi vừa đi dậy học, vừa làm nghề nông. Họ nuôi cả gia cầm, thu nhập cực kỳ thấp”.
Anh Hội đến từ xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Cho đến tận bây giờ, Bình Lâm vẫn chỉ là một xã nông nghiệp nghèo với những con đường nhỏ hẹp, những căn nhà bán tạp hóa một tầng, bao xung quanh bởi những cánh rừng rộng mênh mông.
Sau khi tốt nghiệp ngành điện - điện tử tại đại học Đà Nẵng, anh Hội sang Thái Lan theo học hệ thạc sỹ tại Viện công nghệ châu Á (AIT). Sau đó anh tiếp tục sang Munich, Đức, nơi anh tham gia phát triển hệ thống hộp đen cho Mercedes-Benz.
Anh tiếp tục đến Mỹ theo học hệ tiến sỹ tại trường Washington’s Catholic University of America ngành kỹ thuật sinh học. Hoàn thành xong chương trình tiến sỹ, người đàn ông 39 tuổi này rất hào hứng trở về Việt Nam.
Anh mang trong mình rất nhiều hoài bão về sự đổi mới: “Khi tôi biết về công nghệ mới nhất, thường tôi được biết rằng nó được phát minh bởi người Đức hoặc người Anh. Vậy tại sao không phải người Việt Nam?
Đó chính là lý do tại sao những không gian như Maker Space cần phải có: Mang đến cho người trẻ Việt Nam cơ hội để có thể tạo lập danh tiếng cho riêng mình.
Đà Nẵng - thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển công nghệ và các lĩnh vực liên quan đến đổi mới.
Công ty công nghệ lớn nhất của Việt Nam, FPT, đang cố gắng phát triển Đà Nẵng thành thành phố thông minh trước năm 2020. Hiện tại FPT đang đầu tư 658 nghìn USD vào dự án thử nghiệm như hệ thống đèn giao thông thời gian thực cũng như hệ thống lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử.
Trong khi nhiều nền kinh tế khu vực đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc căng thẳng và đối đầu về thương mại, GDP Việt Nam quý 1/2018 tăng trưởng được 7,38%.
Dù Tổng thống Donald trump không mấy chào đón thương mại toàn cầu, vào đầu năm nay, hơn 60 doanh nghiệp Mỹ, từ Microsoft cho đến IBM, đã đến Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 7 tỉnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi mà hiện tại Việt Nam chỉ có 9% lực lượng lao động có trình độ đại học, Việt Nam sẽ đối diện với rào cản nhất định khi muốn nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất.
Anh Hội tuy nhiên vẫn lạc quan khi nói về triết lý đằng sau việc vận hành Maker Space: khi bạn đến đây, bạn có thể đổi mới và thất bại rất nhanh, thế nhưng bạn cố gắng thêm một lần nữa và sau đó bạn thành công. Trước khi thành công, chúng ta phải chấp nhận thất bại.
Nếu Việt Nam có thể nâng cao kỹ năng cho người lao động, giảm quan liêu và có thêm những nhà khoa học như Hội – chắc chắn tương lai của Việt Nam sẽ vô cùng sáng lạng.