Chen chúc trong dòng xe chật cứng dưới cái nắng sớm oi ả, hay dầm mưa lội nước khi tan tầm làm Minh nhớ những ngày được thảnh thơi làm việc từ xa trong căn nhà thoáng đãng của bố mẹ ở ngoại ô Hà Nội. Đó là khi cô nhân viên văn phòng 26 tuổi này có thể tự thưởng cho mình thêm 30 phút ngủ nướng trên giường mỗi sáng, hay vừa làm việc vừa nhâm nhi ly cà phê tự pha và ăn những món tráng miệng thú vị do mẹ làm. Khi ngày nào dường như cũng là cuối tuần, cô cảm thấy mình luôn tràn đầy năng lượng và ý tưởng mới, điều vô cùng phù hợp và cần thiết với công việc trong lĩnh vực truyền thông sáng tạo của mình.
Còn Thanh, 33 tuổi, lại cảm giác như được trả lại tự do khi thoát khỏi việc phải ngồi ở nhà 24/7. Những buổi họp online triền miên hay mỗi lần vừa ngồi vào bàn làm việc lại phải nhấc người dậy đi pha sữa hay thay vợ trông con khiến anh mệt mỏi. Cái giá phải trả là những hôm thức khuya hoàn thành nốt các dự án còn dang dở. Cuộc sống của một người luôn biết cách giữ sự tách biệt giữa công việc và gia đình bỗng dưng bị đảo lộn 100%, khiến anh bế tắc trong việc tìm cách giải quyết.
Làm việc từ xa đã mang lại cho rất nhiều người một sự tự do nhất định về địa lý, giải phóng họ khỏi những phòng làm việc ngột ngạt, những giờ nghỉ trưa chỉ toàn buôn chuyện và những tuyến đường tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, khi đại dịch biến làm việc tại nhà thành hiện thực, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng sự “tự do” này phải trả bằng những cái giá khác. Đó là các cuộc họp trực tuyến dài vô tận và kém hiệu quả, công việc và cuộc sống không còn sự tách biệt, sự trì hoãn và bắt đầu phải làm việc ngoài giờ, làm việc nhà và con cái...
Tự do và hiệu quả công việc; động lực của nhân viên và mong muốn kiểm soát của người quản lý; sự đối lập giữa cá nhân và tổ chức. Sau khi không còn văn phòng, những mâu thuẫn này được bộc lộ càng ngày càng rõ.
Và câu chuyện tưởng chừng như đang dần trôi qua ở Việt Nam, lại vẫn đang là đề tài nóng hổi ở phần còn lại của thế giới. Một số người đã có những lựa chọn rõ ràng, ví dụ như CEO Elon Musk nổi tiếng.
Vào đầu tháng 6, Musk đã gửi một email nội bộ với tiêu đề "Làm việc từ xa không còn được khuyến khích nữa". Những dòng chữ đó nói rõ với các nhân viên văn phòng của Tesla rằng họ sẽ phải làm việc ít nhất 40 giờ một tuần, nếu không sẽ bị cho nghỉ việc. Thậm chí nghĩ trước việc nhân viên có thể phản bác khi so với chế độ của các công ty khác, Musk đã sớm châm biếm rằng: "Lần cuối cùng họ tung ra một sản phẩm mới tuyệt vời là khi nào?"
Không rõ Musk đang muốn nói tới ai ở đây, Google, Apple hay Microsoft?
Tesla là công ty đang hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất và không thể tha thứ cho việc nhân viên của họ không thể làm việc từ xa mọi lúc. Và gần đây một số đơn vị khác, từng là những người ủng hộ trung thành của việc làm việc từ xa, cũng đang dần quay lưng lại với chính sách quản lý này.
Ví dụ, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase, với CEO Brian Armstrong từng cam kết chính sách ưu tiên làm việc từ xa sau dịch bệnh, thậm chí quyết tâm tới mức thông báo rằng họ sẽ đóng cửa trụ sở chính. Tuy nhiên, mới đây ông đã rất tức giận khi một bản kiến nghị của các nhân viên kêu gọi thay đổi lãnh đạo được đưa ra ánh sáng. Và làm việc từ xa hóa ra lại là một trong những "thủ phạm" đằng sau sự chia rẽ nội bộ.
“Công việc từ xa càng khiến điều này trở nên tồi tệ hơn và đó là một phần lý do khiến chúng tôi cố gắng tập hợp các nhóm của mình một cách thường xuyên. Sự xa cách về thể chất có thể dẫn đến tâm lý không lành mạnh giữa chúng tôi và họ. Mọi người quên rằng chúng tôi thực sự thuộc cùng một đội", ông viết về vụ việc trên mạng xã hội.
Trên thực tế, các công ty lớn như Google, dù đã triển khai hệ thống làm việc từ xa kể từ khi bắt đầu có đại dịch, cũng đang dần thắt chặt mức độ tự do trong các chính sách của họ. Ví dụ, họ đã tung ra các công cụ để kiểm tra vị trí làm việc. Tức là nếu nhân viên di chuyển khỏi nơi làm việc của họ, công ty có thể phạt bằng cách giảm lương. Một ví dụ khác là các công ty yêu cầu nhân viên phải có ít nhất ba ngày làm việc tại văn phòng...
Rõ ràng, lợi ích của làm việc từ xa là rất nhiều. Nhưng khách quan mà nói, điều này không phải dành cho tất cả mọi người.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thế hệ lao động trẻ ngày nay là những người may mắn. Internet và một loạt các công cụ kỹ thuật số đã giúp làm việc từ xa trở nên khả thi, cho phép họ có thể nhanh chóng sử dụng chúng để điều chỉnh quy trình làm việc mà không làm giảm hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra và làm việc tại nhà trở thành điều bắt buộc.
Sự tự do mà làm việc từ xa mang lại không chỉ là không gian địa lý mà còn là thời gian. Thay vì đi làm bằng tàu điện ngầm hay xe bus vào giờ cao điểm trong một buổi sáng ngột ngạt, hoặc tham gia các hoạt động giao lưu văn phòng không cần thiết, thời gian tiết kiệm được có thể dành cho công việc.
Hơn nữa, giờ làm việc không bị giới hạn trong khuôn khổ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mà có nhiều sự linh hoạt hơn. Dù là tuýp người thích dậy sớm hay làm "cú đêm", miễn là bạn tập trung hoàn thành công việc của mình vào đúng thời điểm và trong môi trường thích hợp thì sẽ thoải mái hơn là giả vờ bận rộn ở văn phòng và phải cố thức cho đến khi kết thúc công việc.
Một số ông chủ cũng nghĩ như vậy. Giám đốc điều hành Airbnb Brian Chesky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng "khái niệm văn phòng như chúng ta từng biết đã kết thúc". Tháng 4 vừa qua, ông thậm chí đã gửi một lá thư cho toàn công ty, không cho phép bất kỳ nhân viên nào trở lại văn phòng và thông báo về kế hoạch ngừng hoạt động lâu dài của trụ sở chính.
"Hai năm trước, thế giới bị đảo lộn. Văn phòng đóng cửa và chúng tôi thấy mình làm việc trong phòng ngủ, tầng hầm tại nhà. Dù vậy, chúng tôi đã có hai năm làm việc hiệu quả nhất trong lịch sử", ông viết trong bức thư ngỏ. Bản thân Chesky cũng là một người thuốc kiểu "thấy đầu không thấy đuôi". Ông cho biết mình đã làm việc ở hơn một chục thành phố khác nhau, kể từ tháng Giêng.
Vị CEO này tin rằng việc cho phép làm việc từ xa không chỉ làm tăng năng suất của công ty mà còn đa dạng hóa đội ngũ nhân tài. Điều này thậm chí được thực hiện cụ thể trong chính sách, khi nhân viên có thể sinh sống và làm việc tại hơn 170 quốc gia/khu vực trên thế giới, đồng thời có thể làm việc tại mỗi địa điểm trong tối đa 90 ngày một năm. Công ty sẽ không giảm lương và tổ chức các buổi offline để đảm bảo liên hệ.
Đồng thời, hoạt động kinh doanh của Airbnb cũng được hưởng lợi từ làn sóng làm việc từ xa, như báo cáo thu nhập quý 1 của nó cho thấy công ty đạt doanh thu 1,5 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lưu trú dài hạn là danh mục đơn đặt hàng tăng nhanh nhất.
Tại Trung Quốc, Ctrip là một trong những công ty điển hình trong việc hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa. Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, đơn vị này đã triển khai hệ thống văn phòng hỗn hợp 3 2. Tức là nhân viên có hai ngày mỗi tuần để làm việc tại bất kỳ địa điểm nào. Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ khoảng 30.000 nhân viên của Ctrip, không phân biệt phòng ban và không điều chỉnh lương thưởng.
Theo các nhà nghiên cứu chuyên môn, làm việc tại nhà có thể giúp giảm bớt các vấn đề xã hội như giá nhà cao, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, nó có thể làm tăng hiệu quả sản xuất tăng do sự tự do mang lại, bên cạnh ý nghĩa xã hội và cơ hội để mọi người khám phá và cải thiện bản thân mình trong không gian mới. Chưa kể, mọi người hoàn toàn có cơ hội kiếm được mức thu nhập cao như ở các thành phố hàng đầu trong khi mức chi tiêu sinh hoạt lại chỉ ở khu vực nông thôn.
"Tôi nghĩ hình thức làm việc từ xa sẽ khiến tôi suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống, cho phép tôi có cơ hội khám phá bản thân nhiều hơn. Một môi trường mới sẽ mang đến cho tôi nhiều lựa chọn cho cuộc sống bên ngoài công việc, vì vậy tôi đột nhiên có rất nhiều nhiệt huyết, và sự thay đổi tâm lý này sẽ được thể hiện ở hiệu quả công việc cao hơn", Minh chia sẻ về trải nghiệm của chính bản thân mình.
Có thể nói, chúng ta có thể ngồi kể ra hàng trăm lợi ích của việc làm việc từ xa. Nhưng trên thực tế, nó có thể chỉ là một phần của câu chuyện...
"Nhà là nơi để nghỉ ngơi. Khi làm việc ở nhà, cuộc sống quá thất thường, nhiều đồng nghiệp đã có con trong công ty tôi nói họ sẵn sàng đến văn phòng làm việc vì đỡ phải chăm con và làm việc nhà", anh Thanh chia sẻ.
Anh cho biết một vấn đề cơ bản với làm việc từ xa chính là khi sự tách biệt về không gian của cuộc sống và công việc bị phá vỡ, sự cân bằng sẽ mất đi. Trước kia, nhịp làm việc của mọi người có thể là từ 8h sáng tới 6h chiều, 5 tới 6 ngày một tuần. Còn giờ đây, sau khi ở nhà, nó trở thành quãng thời gian từ khi mở mắt đến khi nhắm mắt ngủ, tất cả đều là công việc.
Vậy liệu làm việc từ xa có thực sự cải thiện hiệu quả công việc hay không? E rằng sẽ có nhiều tranh cãi, nhưng một vài con số thì không nói dối.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (RIETI) của Nhật Bản vào năm ngoái, năng suất trung bình của người Nhật khi làm việc tại nhà bằng 68,3% năng suất làm việc tại nơi làm việc. Điều này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cá nhân, tổ chức và điều kiện khách quan.
Trước hết, với những người không có động lực từ chính bản thân, hiệu quả công việc sẽ giảm sút và tự do bỗng trở thành cái cùm. Trên thực tế, chỉ có kỷ luật và sự tự giác mới mang lại tự do, còn không thứ nó mang lại sẽ là đau khổ. Sờ tay vào chó mèo một chút, xem video một phút, kiếm chút đồ ăn vặt đôi lúc còn hấp dẫn hơn việc ngồi trước máy tính mà làm việc.
“Giữa các cuộc họp, tôi chỉ muốn nằm xuống ngủ”, một nhân viên văn phòng giấu tên chia sẻ trải nghiệm làm việc từ xa của mình, dù công ty đã hỗ trợ rất nhiều như cho ngân sách để mua máy tính và màn hình, camera. Khi không có sự giám sát, hiệu quả công việc đã giảm đi đáng kể.
Vấn đề tiếp theo của làm việc từ xa chính là hiệu quả của giao tiếp.
"Những vấn đề có thể giải quyết trong một hoặc hai câu trước đây giờ thường được bắt đầu trong các cuộc họp kéo dài ít nhất 30 phút", một cán bộ phụ trách nhân sự phàn nàn. Đôi khi, nhiều người cho biết họ đang bị mắc kẹt trong những cuộc họp vì vấn đề chất lượng tín hiệu đường truyền thấp, kiểu như: “Tôi xin lỗi, vừa rồi mạng internet không tốt, anh nói gì vậy, có thể nhắc lại được không?”.
Sự xa cách về không gian cũng gây ra cảm giác xa lạ giữa các đồng nghiệp và mất đi sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm. Điều này không chỉ làm cho việc giao tiếp kém hiệu quả mà còn xóa bỏ cảm giác thân thuộc với tổ chức. Đó là lý do tại sao các công ty như Airbnb, trong khi hỗ trợ làm việc từ xa, vẫn nhấn mạnh cần tổ chức các cuộc tụ họp ngoại tuyến thường xuyên. Trong những chia sẻ về cuộc sống của nhiều người "du mục kỹ thuật số", mọi thứ đều lãng mạn và đẹp đẽ, nhưng những cuộc thảo luận về “sự cô đơn” vẫn thường xuyên xuất hiện.
"Hiệu suất khi làm việc từ xa kém hơn, vì khả năng tương tác giảm sút. Những công việc nào có thể làm việc độc lập thì không sao, nhưng như việc phát triển game yêu cầu mọi người cần phải tương tác với nhau ở tần suất cao", Tuấn Huy, giám đốc một studio phát triển game có tiếng ở Hà Nội chia sẻ. "Ngoài ra, nó còn làm cho mọi người mất kết nối, thiếu đi sự gắn kết vốn có nữa."
Và đối với một số công việc và lĩnh vực, làm việc từ xa tương đương với việc dậm chân tại chỗ.
Chẳng hạn như ngành sản xuất, dịch vụ, hay các công việc đề cao tinh thần đồng đội... Mặc dù quan điểm và chia sẻ của Elon Musk có thể khiến mọi người cảm thấy rằng ông là một người nghiêm khắc, cũng như việc "ép" mọi người quay lại làm việc cũng được hiểu là một biện pháp sa thải. Nhưng thực tế là Tesla không phải là một công ty Internet và nó cần phải thiết kế và sản xuất ô tô. Các công việc đòi hỏi nhân sự kỹ thuật rất lớn và làm việc ngoại tuyến là điều không thể thay thế được.
Năm ngoái, chuyên gia công nghệ kỳ cựu Steve LeVine đã viết một bài báo với tiêu đề “Làm thế nào làm việc từ xa có thể phá hủy Thung lũng Silicon”. Bài báo đề cập rằng nhiều sáng tạo của Thung lũng Silicon đều dựa trên sự tình cờ, khi các doanh nhân, sinh viên ưu tú và nguồn vốn kết hợp với nhau, cho phép nhiều tiềm năng có thể được khơi dậy.
Đó là khi bạn có thể đang trò chuyện với đối tác của mình về kế hoạch kinh doanh trong một quán cà phê và người ngồi ở bàn bên cạnh sẽ trở thành nhà đầu tư trong tương lai của bạn. Hay một nhóm sáng tạo có thể ngồi nghĩ ra kế hoạch quay phim, và cả nhóm R&D có thể nhảy vào làm việc cùng nhau để giải quyết một lỗi. Nhưng thông qua các phần mềm văn phòng hỗ trợ làm việc từ xa hiện có, những trải nghiệm trên không thể thành hiện thực.
Cuối cùng, theo quan điểm của các nhà quản lý, điều khó nhất là việc quản lý và chống lại ham muốn kiểm soát nhân viên. Mọi người đều phân tán ở nhiều nơi khác nhau, làm thế nào để điều phối và sắp xếp công việc? Làm thế nào để làm rõ quy trình? Làm thế nào để giảm chi phí và tăng hiệu quả trong tình huống như vậy?
Thậm chí, ở một số vị trí có điều kiện khách quan phù hợp với việc làm việc từ xa, đôi khi nhân viên phải đối mặt với những yêu cầu quái đản của sếp như chụp ảnh check-in, cùng tập thể dục trước camera mỗi sáng, chẳng hạn như giám sát 24/24... và các xích mích nội bộ lại càng nghiêm trọng hơn. Dần dần, nó sẽ dẫn đến vấn đề tin cậy lẫn nhau rạn nứt.
Ông Huy cũng đồng ý với quan điểm này: "Làm việc từ xa chỉ phù hợp với một số dạng vị trí và công việc nhất định. Không thể cố cải thiện hiệu suất công việc bằng các công cụ và phương pháp nữa, vì hiện chúng đã có đủ rồi".
"Nhà là nhà. Công ty là công ty. Hai môi trường đó không thể là một được", ông cho biết thêm.