Đã đến lúc cần nới lỏng chính sách tiền tệ!

Động thái hàng loạt ngân hàng cam kết giảm lãi suất đầu ra càng làm tăng thêm niềm tin việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ với mức độ sâu hơn.

Theo nhiều chuyên gia nhận định dòng vốn tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Theo tính toán, để GDP tăng trưởng ở mức 6,5 - 7% như mục tiêu (năm 2016 là 6,7%) thì nguồn vốn tín dụng cần tăng ở mức 16 - 18%.

Để đạt mục tiêu này, cần có những biện pháp bổ sung để tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng cần khẩn trương hạ lãi suất vì kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, lạm phát cũng thấp nếu loại trừ giá dịch vụ y tế tăng bằng biện pháp hành chính và tỷ giá đang ổn định.

Nếu lãi suất không giảm, doanh nghiệp, Chính phủ và cả nền kinh tế sẽ đều gặp khó khăn.

Theo ông Độ, vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng, giảm gánh nặng nợ cho nền kinh tế đã được đề cập từ lâu, đặc biệt là khi lạm phát xuống dưới mức 2% vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, trong năm 2015 nền kinh tế có bước phục hồi, đồng thời tỷ giá biến động mạnh, nên chính sách giảm lãi suất, mặc dù được Chính phủ định hướng từ đầu năm 2015, đã không được thực hiện quyết liệt.

Nhưng từ quý I/2016, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã có dấu hiệu chững lại. Vấn đề giảm lãi suất cho vay, vì vậy, trở nên cấp bách hơn.

“Khả năng là NHNN cũng đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Các NHTM đang mua mạnh TPCP và có tín hiệu cho thấy lãi suất phát hành TPCP giảm”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Chuyên gia cho biết thêm chỉ khi nào vấn đề nợ công và nợ xấu được giải quyết ổn thoả, lạm phát cao mới có cơ hội quay trở lại.

Với lãi suất thực bị neo ở mức cao như hiện nay, khó có thể nói rằng nền kinh tế đang thừa tiền.

Cũng theo nhận định trong một báo cáo mới đây của CTCK TP.HCM (HSC), nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp và nhóm khách hàng có tài chính lành mạnh.

Động thái trên càng làm tăng thêm niềm tin là chính sách tiền tệ đang được nới lỏng và sự nới lỏng này là thành phần quan trọng trong gói kích thích do Chính phủ đề xuất.

Theo HSC, điều này có lẽ buộc phải thực hiện trước tình hình ngân sách eo hẹp nên khó có thể sử dụng chính sách tài khóa để kích thích.

Và giống như ở các nước khác, sẽ cần phải sử dụng chính sách tiền tệ để có thể kích thích đáng kể nền kinh tế.

Trước đó, trao đổi với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) đã cho rằng trong điều kiện cầu yếu và lạm phát thấp như hiện nay, NHNN có thể nới lỏng chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý.

Ví dụ, giảm dự trữ bắt buộc; ngừng phát hành tín phiếu NHNN; tăng cường chiết khấu trái phiếu Chính phủ; trái phiếu đặc biệt (mua nợ xấu) đẩy mạnh hoạt động thị trường mở, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp và ổn định.

Lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết ngân hàng sẽ xem xét mức giảm lãi suất tối đa là 1% và chỉ khi NHNN hỗ trợ NHTM bằng việc nới lỏng các yêu cầu chẳng hạn như tỷ lệ dự trự bắt buộc.

Các ngân hàng khác cũng kiến nghị NHNN có thể hoãn áp dụng quy định mới để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất.

Với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 18-20% cộng với yêu cầu giảm lãi suất cho vay bình quân thì có vẻ quy định áp dụng Basel 2 và nội dung dự thảo sửa đổi thông tư 36 về các hệ số an toàn tài chính có thể sẽ chưa được áp dụng ngay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại