Thống kê số lượng bất động sản mới gia nhập thị trường của các công ty tư vấn bất động sản như CBRE, Savills hay Jones Lang LaSalle tới đây có thể sẽ thay đổi khi số lượng các dự án mới lớn đến mức mà các chủ đầu tư sẽ muốn giấu đi phần nào lượng “hàng” được cung ra thị trường.
Danh tiếng của chủ đầu tư gắn với các dự án bất động sản lớn là quan trọng, nhưng việc thúc đẩy khách mua hàng và doanh nghiệp bán được hàng mới là quan trọng nhất.
Trong điều kiện thị trường dư cung, thông tin đầy đủ và liên tục lượng bất động sản mới có thể không phải là lựa chọn tốt cho chủ đầu tư.
Thực tế, thời gian gần đây, không ít chủ đầu tư bất động sản khởi động dự án của mình một cách âm thầm, trường hợp Dự án Deawoo Cleve (Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông) là ví dụ.
Sau khi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) vào cuối năm 2014, từ đầu 2016, Công ty TNHH Hibrand Việt Nam, chủ đầu tư Dự án đã tiến hành thi công trở lại.
Việc thi công diễn ra khá lặng lẽ, một phần vì dự án đã từng phải tạm dừng thi công trong quá khứ, một phần vì nếu được khởi động một cách đầy đủ, Dự án sẽ đóng góp cho thị trường Hà Nội ít nhất khoảng 3.000 căn hộ chung cư trong thời gian tới.
Tái khởi động từ những tháng cuối năm 2015, đến thời điểm hiện tại, Dự án Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đã sẵn sàng tung ra thị trường một số lượng lớn nhà ở thấp tầng.
Một phần không nhỏ trong số bất động sản tại Nam An Khánh không còn thuộc quyền sở hữu của Sudico - chủ đầu tư hạ tầng Dự án khi đơn vị này đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất một diện tích đáng kể cho Techcom Development (thuộc Ngân hàng Techcombank) với giá trị hợp đồng 2.100 tỷ đồng và Ngân hàng Quân đội (MB) một diện tích khác tại Nam An Khánh trị giá 203 tỷ đồng.
Theo Sudico, đơn vị này đã thi công hạ tầng khoảng 200 ha trên tổng diện tích 250 ha của Nam An Khánh.
Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, số bất động sản được các chủ đầu tư thứ cấp cung ra thị trường tại Nam An Khánh là rất lớn.
Khu vực xung quanh Dự án Nam An Khánh, trong năm 2015, nhiều chủ đầu tư như Phúc Hà Group, MekongLand, Geleximco, Sông Đà Hoàng Long… đã khởi động hàng loạt chung cư cao tầng tại khu vực này như: Thăng Long Victory, Gemek Tower, Gemek Premium, Golden Land…
Điểm chung của các dự án là tiến hành thi công lặng lẽ, marketing thẳng đến các đối tượng có thu nhập trung bình và ký hợp đồng nhanh gọn, tránh những ồn ào không cần thiết trên thị trường.
Thậm chí, có những khách hàng sau khi chuyển sinh sống tại dự án mới biết chủ đầu tư chưa hoàn thiện một vài thủ tục pháp lý nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn”.
Gần đây nhất, giới đầu tư bất động sản tại Hà Nội không khỏi xao xuyến khi biết tin “siêu dự án” Thanh Hà (A&B) với tổng diện tích 400 ha đã về tay Tập đoàn Mường Thanh.
Với cách làm “đánh nhanh, thắng nhanh” của ông chủ Mường Thanh tại các dự án Đại Thanh (huyện Thanh Trì), Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai)... số bất động sản được tung ra thị trường thời gian tới với thương hiệu Mường Thanh sẽ nhiều hơn bất cứ dự án bất động sản nào đã từng được biết đến trong quá khứ.
Những tháng đầu năm 2016, việc “bung hàng” của các chủ đầu tư diễn ra gần như liên tục.
Dự án nối tiếp dự án, các chương trình bán hàng nối tiếp nhau khiến việc ghi nhớ thông tin, định vị sản phẩm và đưa ra quyết định cuối cùng mua đôi khi trở nên khó khăn.
Ở khu vực quận Hà Đông là loạt dự án lớn như: New Skyline, Goldsilk Complex, FLC Star Tower, The Vesta…
Quận Thanh Xuân là các dự án Goldseason, Imperia Gardens, Times Tower - ACC1 Complex Building, Diamond Blue…
2 quận Nam - Bắc Từ Liêm là nơi có số lượng dự án bất động sản đang thi quy mô “khủng” nhất Hà Nội như: Goldmark City, Green City, HD Mon City, Vinhomes Mỹ Đình, FLC Complex…
Với hàng những ý tưởng, tiện ích mà các chủ đầu tư đưa ra, việc của người mua giờ đây gần như chỉ còn là căn cứ vào khả năng tài chính và khoảng cách đến nơi làm việc.
Mọi nhu cầu và sở thích cá nhân đều được các chủ đầu tư đáp ứng… không giới hạn.