Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2023, cả nước đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Con số này cao hơn 120.000 tỷ đồng so với 560.000 tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023.
Sáng 20/5, phát biểu phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2023 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng GDP tăng 5,05% (báo cáo trước là 5%). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách, giải pháp đã được đưa ra như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191.500 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo. Tính đến hết năm 2023, cả nước đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD. Thu hút vốn FDI đạt 39,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%, cao nhất từ trước đến nay.
Mặc dù các kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song Phó Thủ tướng đánh giá vẫn còn những hạn chế, khó khăn.
Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu. Thủ tục đầu tư kinh doanh còn rườm rà. Chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa nghiêm.
Về triển khai kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề.
Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển.
Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia; trong đó khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km.
Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành viêc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 6 quy hoạch vùng KTXH và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Nhiều tồn đọng kéo dài được xử lý
Cũng theo Phó Thủ tướng, nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.
Dự kiến, việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc sẽ hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.
Tuy vậy, báo cáo Chính phủ nhìn nhận sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỉ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp, giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu.
Chỉ ra nguyên nhân, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng trước sức ép từ bên ngoài, những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu, bộc lộ rõ hơn, bao gồm các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng yếu kém. Một số cán bộ, công chức còn chưa chủ động, quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...
Về các giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn. Làm mới các động lực tăng trưởng, tiếp tục miễn giảm gia hạn thuế phí, tiết kiệm chi, quản lý giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý…
"Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, chấm dứt tình trạng sợ sai, né tránh và đùn đẩy trách nhiệm. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh số hóa, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất…
Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng...", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu.