Đã có hơn 20 doanh nghiệp báo lỗ quý 3

Hiện toàn thị trường mới có 26 doanh nghiệp niêm yết báo lỗ trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng.

Khoản lỗ lớn nhất đến thời điểm này thuộc về Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam - Generalexim (TH1). Với mức doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, TH1 lỗ ròng 38,98 tỷ đồng nâng mức lỗ lũy kế 9 tháng lên con số hơn 50 tỷ đồng.

Từ một doanh nghiệp được coi là thành công của ngành thương mại với lợi nhuận tốt và nhiều tiềm năng ở khối tài sản khổng lồ, TH1 đã liên tục kinh doanh sa sút trong vòng 5 năm gần đây.

Trên sàn giao dịch TH1 cũng đang ở trạng thái hết sức bi đát, hiện cổ phiếu này trong trạng thái không có giao dịch và đã ghi nhận phiên đứng giá thứ 19 liên tiếp. Mức giá hiện nay của TH1 là 16.500 đồng/CP.

Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) công bố quý 3 chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm 20.8 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 21 tỷ đồng - Đây là quý đầu tiên TSC báo lỗ kể từ quý 3/2013.

Nguyên nhân chính là do trong quý 3/2016, Công ty đưa ra các chiến lược marketing giới thiệu các sản phẩm mới ra thị trường làm gia tăng các chi phí bán hàng và chi phí quản lý.

Một khoản lỗ tiếp theo cũng rất đáng chú ý là của Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung (SEB), doanh thu giảm gần một nửa so với cùng kỳ và kinh doanh dưới giá vốn khiến SEB lỗ ròng 14,8 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ gần 9,6 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do tình hình thời tiết không thuận lợi nên doanh thu của công tư thấp, các công ty Phát triển điện miền Trung và Thủy điện Trà Xom thì mới được đưa vào vận hành hơn 1 năm nên chi phí còn cao.

Bên cạnh đó, giá điện trong quý là giá điện mùa mưa nên giá thấp. Giao dịch của cổ phiếu SEB trên sàn cũng trong tình cảnh tương tự TH1 với nhiều phiên liên tiếp không có giao dịch.

Thế giới số Trần Anh (TAG) cũng đã bất ngờ báo lỗ 5,89 tỷ đồng trong quý 3/2016, chấm dứt chuỗi 7 quý liên tiếp có lãi trước đó.

Theo giải trình của Trần Anh, kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý vừa qua bởi ảnh hưởng của việc đóng cửa trước thời hạn và gián đoạn kinh doanh Siêu thị Phạm Hùng trong thời gian chờ chuyển sang địa điểm mới.

Ngoài ra, việc một số siêu thị dự kiến khai trương Quý 3/2016 đẩy lùi sang Quý 4/2016, trong khi chi phí phát sinh cho hoạt động của siêu thị đã có, ảnh hưởng không nhỏ tới KQKD Trần Anh.

Không có khoản lợi nhuận khác kếch xù 133 tỷ đồng như quý 3/2015, Quốc tế Hoàng Gia (RIC) báo lỗ sau thuế 3,2 tỷ đồng quý 3/2016 nâng số lỗ 9 tháng đầu năm lên 24,4 tỷ đồng.

Doanh thu của công ty gần một nửa đến từ khách sạn 13 tầng và một nửa còn lại đến từ câu lạc bộ, biệt thự và công viên ca múa nhạc dân tộc. Trong 4 mảng thì có mảng câu lạc bộ là lỗ gộp với mức lỗ đến 36 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ hơn 50 tỷ đồng.

Trong danh sách thua lỗ còn có sự góp mặt của 3 công ty chứng khoán, Chứng khoán Phương Đông (ORS), Chứng khoán NN&PTNT (AGR) cùng báo lỗ gần 4 tỷ đồng trong đó AGR đã lỗ quý thứ 5 liên tiếp, còn Chứng khoán An Phát (APG) lỗ nhẹ 33 triệu đồng.

Ngoài ra doanh nghiệp bất động sản, xây dựng cũng đóng góp nhiều cái tên thua lỗ như BCE (lỗ 1,8 tỷ đồng), DLR (lỗ 0,15 tỷ đồng), IDJ (lỗ 1,7 tỷ đồng), ICG (lỗ 2,14 tỷ đồng), DTA (lỗ 1,6 tỷ đồng)...

Hiện thị trường mới bắt đầu vào mùa công bố BCTC quý 3 và hiện chủ yếu là các doanh nghiệp công bố KQKD có lãi, những con số thua lỗ cao thường được doanh nghiệp công bố muộn hơn.

Đã có hơn 20 doanh nghiệp báo lỗ quý 3 - Ảnh 1.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại