Thử tưởng tượng nếu toàn bộ những nỗi sợ muôn thuở của bạn có thể đột nhiên biến mất, giúp bạn luôn trong trạng thái bình thản dễ chịu, không lo nghĩ bất cứ điều gì thì sao? Nghe có vẻ bất khả thi, vậy mà đó lại là điều có thể can thiệp bởi công nghệ hiện nay.
Một nhóm các chuyên gia khoa học thần kinh cho biết họ đã thành công trong việc tái cơ cấu bộ não con người để có thể vượt qua nỗi sợ hãi tiềm ẩn bên trong. Cách thức này hứa hẹn mang lại một tia sáng cho những bệnh nhân mắc các hội chứng ám ảnh sợ hãi hoặc rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD).
Khám phá trên được công bố vào thứ Ahi vừa qua trên tạp chí Nature Human Behaviour.
Được biết, theo thống kê từ Học viện Sức khỏe Tâm lý Quốc gia, có khoảng 19 triệu người trưởng thành tại Mỹ (8,7% dân số) chịu ảnh hưởng của những chứng sợ hãi đến từ nhiều đối tượng, khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.
PTSD cũng khiến cho 7,7 triệu người đang đau đầu chống chọi. Các tác giả của nghiên cứu trên cũng chia sẻ họ muốn phát triển thành quả của mình để khắc phục những nỗi lo hàng ngày của con người. Liệu pháp trị liệu ám ảnh là một ví dụ, giúp cho mọi người không còn sợ hãi những phòng tối, nhà cao tầng hay thang máy...
Đối với phương pháp mới, các nhà khoa học sẽ kết hợp một trí tuệ nhân tạo (AI) cùng một công nghệ quét não bộ để tạo nên một kỹ thuật mới có tên gọi "Decoded Neurofeedback" (tạm dịch: Điều trị Giải mã Phản hồi Tâm lý).
Trong thí nghiệm của mình, các chuyên gia đã làm việc với 17 tình nguyện viên khỏe mạnh. Thay vì thử thách nỗi sợ của họ, các chuyên gia tạo nên một "ký ức tiêu cực" ở mức độ nhẹ bằng cách giật điện một chút mỗi khi các tình nguyện viên thấy một bức ảnh cố định.
Máy quét hoạt động của não cho thấy hoạt động thần kinh của họ có bị ảnh hưởng bởi những dấu hiệu sợ hãi. Cùng thuật toán nhận diện của AI, các nhà khoa học có thể "đọc" được thông tin về nỗi sợ đó một cách nhanh chóng và chính xác.
"Khó khăn ở đây là tìm ra cách hữu hiệu để hạn chế và loại bỏ hoàn toàn cảm xúc sợ hãi đó một cách âm thầm, nhanh gọn," Ben Seymour, chuyên gia tâm lý tại Đại học Cambridge phát biểu trong một cuộc họp báo.
Seymour cũng cho biết đội ngũ của ông đã phát hiện rằng não bộ của các ứng viên vẫn biểu hiện nỗi sợ trong tiềm thức, kể cả khi họ đang nghỉ ngơi và không tham gia bất kỳ quá trình thử nghiệm nào cả.
Do vậy, nhóm nghiên cứu bắt đầu thử tặng cho các tình nguyện viên một số tiền nhỏ, đồng nghĩa với việc nỗi sợ được gắn liền với một cảm giác được khen thưởng. Họ nói rằng số tiền này dựa trên hoạt động hiệu suất của não bộ chính người đó phản ánh lại, nhưng không giải thích chi tiết hơn. Hành động này được lặp đi lặp lại trong 3 ngày liên tiếp.
"Qua một thời gian ngắn, phản ứng thông thường mỗi khi thấy ảnh là nỗi sợ giờ đây được thay thế bằng một trải nghiệm tích cực," Ai Koizumi, chủ dự án nghiên cứu và cũng là chuyên gia tại Trung tâm Thông tin Mạng lưới Thần kinh tại Osaka (Nhật Bản) cho biết.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu lại tiếp tục cho hiển thị hình ảnh đi liền với nỗi sợ trước đó, nhưng thật bất ngờ, não bộ của những tình nguyện viên khi ấy lại chẳng phản ứng tiêu cực một chút nào cả.
"Điều này có nghĩa ký ức xấu kia đã hoàn toàn bị loại bỏ mà chính họ cũng không hề chủ động nhận thức được," Koizumi phát biểu.
Công trình này cũng được nhóm nghiên cứu thừa nhận là chưa đủ quy mô để phát triển tiềm năng hơn nữa của phương pháp trên, do đó nhiều nỗ lực vẫn cần được khai thác trong tương lai. Họ hy vọng Decoded Neurofeedback sẽ giúp cho những bệnh nhân sau này thoát khỏi những triệu chứng đang dày vò họ hàng ngày, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh của họ.
Tham khảo: Mashable