Đá bóng ở Trung Quốc: Đánh đổi nhiều thứ vì rất nhiều tiền

Ngô Trà |

Các ngôi sao bóng đá đang ồ ạt đổ sang Trung Quốc, tỷ lệ thuận với số tiền người Trung Quốc đổ ra cho bóng đá. Nhưng liệu đây có là thiên đường cho những cầu thủ đỉnh cao?

1. Ngày 21/7 vừa qua, Graziano Pelle đã ghi bàn thắng đầu tiên của mình cho đội bóng mới Sơn Đông Lỗ Năng ở giải Chinese Super League. Chân sút 29 tuổi nhận mức lương lên đến 260.000 bảng/tuần bắt đầu bắt nhịp với bóng đá Trung Quốc.

Tuy nhiên, quyết định thi đấu ở Trung Quốc trước mắt đã khiến Pelle mất suất ở ĐTQG, đồng nghĩa với việc giã từ màu áo Thiên thanh trong tương lai. "Các cầu thủ luôn phải có khát khao chiến thắng. Việc chuyển sang thi đấu ở một giải có trình độ thấp chẳng giúp ích được gì.

Đá bóng ở Trung Quốc: Đánh đổi nhiều thứ vì rất nhiều tiền - Ảnh 1.

Bản hợp đồng đắt giá của Pelle được đánh đổi bằng vị trí ở ĐTQG Italia.

Tôi biết rằng khi một cầu thủ sang Trung Quốc thi đấu, 50% là họ muốn khám phá một nền văn hóa mới và phần còn lại là do tiền lương cao" tân HLV ĐTQG Italia - Ventura nhận xét thẳng tuột.

2. Trước đó, trong trận đấu với chính Sơn Đông Lỗ Năng, cựu tiền vệ của Chelsea - Ramires đã gần như phát điên sau khi phải nhận thẻ đỏ trực tiếp ngay khi trận đấu đã kết thúc. Nếu không có sự can ngăn của đồng đội tại Jiangsu Suning, chắc hẳn cầu thủ này đã đấm vỡ mồm trọng tài.

Án phạt 4 trận cấm thi đấu cho Ramires là không nặng, tuy nhiên, những bình luận của người xem ở đoạn video phát trên You Tube hẳn làm không ít người phải xót xa.

Ramires tấn công trọng tài sau khi bị lĩnh thẻ đỏ

Họ nhận xét "Nếu là tôi, tôi quan tâm quái gì khi được trả hàng triệu USD chỉ để chơi ở một giải đấu vớ vẩn", "Đây chẳng còn là Ramires mà tôi từng biết khi còn ở Chelsea và Benfica nữa rồi".

3. Không phải đến gần đây, bóng đá Trung Quốc mới nỗ lực để đưa các ngôi sao thế giới về với giải đấu của mình. Những năm 2012 - 2013, hai cựu ngôi sao của Chelsea là Anelka và Didier Drogba đã gây tiếng vang lớn khi chuyển đến Thân Hoa Thượng Hải.

Nhanh chóng "bán xới" khỏi Trung Quốc, Drogba cay đắng nhận xét về những ngày cũ: "Những người Trung Quốc chẳng biết gì về bóng đá cả, họ cứ nghĩ đặt 11 cầu thủ ngon lành lên sân là đủ để giành chiến thắng". Được hứa hẹn mức lương "khủng", Drogba phải "bỏ của chạy lấy người" với hai bàn tay trắng.

Đá bóng ở Trung Quốc: Đánh đổi nhiều thứ vì rất nhiều tiền - Ảnh 3.

Drogra là một trong những ngôi sao tiên phong đến với Super League.

Ngay cả Tim Cahill - cựu cầu thủ Everton, hiện đang chơi cho Hàng Châu Greentown cũng nói thẳng rằng ngôi sao bóng đá đến Trung Quốc hoàn toàn là do tiền bạc và lợi ích cá nhân, hoàn toàn không có ý niệm gì về việc chung tay cải thiện bóng đá Trung Quốc cả.

4. Nhìn vào danh sách những cầu thủ nước ngoài được trả lương cao ngất để chơi bóng tại Trung Quốc, chẳng mấy khó khăn để nhận ra rằng đa số là cầu thủ Nam Mỹ và gốc Phi. Với đa số họ, khái niệm chơi bóng đỉnh cao đơn thuần chỉ là kiếm được nhiều tiền. Mà tiền thì Trung Quốc không thiếu.

Những bản hợp đồng với mức lương khổng lồ lên đến 8 con số, với giá trị chuyển nhượng hàng chục triệu bảng Anh xuất hiện ngày một nhiều ở Trung Quốc, nhưng đấy là những chuyến xe một chiều. Đến, chơi bóng, lĩnh lương mà chẳng còn đường quay lại với bóng đá đỉnh cao.

Đá bóng ở Trung Quốc: Đánh đổi nhiều thứ vì rất nhiều tiền - Ảnh 4.

Đa số các ngôi sao bóng đá đến Super League của Trung Quốc là cầu thủ Nam Mỹ và gốc Phi.

Người Trung Quốc cần những tên tuổi để thu hút người xem, đánh bóng nền bóng đá của mình. Các ngôi sao cần tiền, rất nhiều tiền. Họ tìm đến nhau như nhu cầu tất yếu.

Nhưng để nói người Trung Quốc đủ sức xô lệch cán cân của bóng đá thế giới, làm ảnh hưởng đến bóng đá đỉnh cao, thì rõ là ảo tưởng. Hãy nhìn cái cách Gonzalo Higuain, hay HLV nổi tiếng thực dụng Fernando Santos từ chối những đề nghị khổng lồ từ Trung Quốc mà xem.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại