Khi người Trung Quốc "làm loạn" khắp nước Anh

Tiểu Mã |

Việc mua lại CLB nước Anh Wolverhampton chỉ là một trong những nấc thang trong tham vọng bành trướng châu Âu của người Trung Quốc.

Người Trung Hoa đang "tấn công" xứ sướng mù

Đội bóng lâu đời của nước Anh Wolverhampton chính là CLB mới nhất rơi vào tay người Trung Quốc.

Hai bên vừa đạt được thỏa thuận và Wolves đã thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Fosun (Trung Quốc) với mức giá 45 triệu bảng.

Được biết, chủ sở hữu của Wolves, Steve Morgan đã đem CLB này ra đấu giá khi họ bị xuống hạng ở giải Football League Championship.

Lập tức, tập đoàn Fosun đã liên hệ với siêu cò Jorge Mendes để có thể mua thành công Wolverhampton.

Đây là sự chuyển giao có lợi cho nhiều bên trong đó có cả siêu cò Jorge Mendes bởi ông đã có 1 chân trong Fosun và có nhiều cơ hội nắm giữ vai trò tuyển dụng tại Wolves trong mùa giải mới.

Khi người Trung Quốc làm loạn khắp nước Anh - Ảnh 1.

Wolverhampton là CLB thứ 2 của Anh rơi vào tay người Trung Quốc.

Wolverhampton là thương vụ thứ hai mà người Trung Hoa muốn bành trướng thế lực sang xứ sở sương mù bởi chỉ cách đây không lâu, một đội bóng khác là Aston Villa cũng rơi vào tay tỷ phú người Trung Hoa Tony Xia với mức giá 65 triệu bảng.

Giống như Wolverhampton, Aston Villa cũng rơi vào hoàn cảnh bị xuống hạng và bị rao bán. Lập tức tỷ phú đến từ châu Á đã vào cuộc thâu tóm đội bóng một cách rất chóng vánh.

Sau khi tiếp quản Aston Villa, doanh nhân Tony Xia còn muốn biến đội bóng này thành một Leicester thứ 2. Thậm chí, ông còn đặt mục tiêu sau khi trở lại giải Premier League, ông muốn Aston Villa có mặt trong top 6 để được tham dự cúp châu Âu.

Tham vọng các tỷ phú Đông Á còn tiếp tục mở rộng tại nước Anh bởi trong ít ngày tới, họ sẽ thâu tóm thêm một CLB khác nữa là West Brom. Đội chủ sân The Hawthorns được tỷ phú Wang Jianlin mua lại với giá 150 triệu USD.

Nhân vật này hiện sở hữu khối tài sản lên tới 21,7 tỷ USD (người được coi là là giàu nhất Trung Quốc) và cũng chính là người hiện cũng đang năm 20% cổ phần của Atletico Madrid.

Vị tỷ phú này cũng giàu tham vọng tới nỗi muốn biến West Brom có thể trở thành một Man City thứ 2 của xứ sương mù.

Khi người Trung Quốc làm loạn khắp nước Anh - Ảnh 2.

Aston Villa cũng chính thức bị các tỷ phú Trung Quốc thâu tóm.

Những kế hoạch bom tấn

Tất nhiên, mục tiêu của người Trung Quốc không chỉ là thâu tóm những CLB thuộc loại "xoàng" mà họ còn muốn sở hữu những đội bóng tầm cỡ và không chỉ giới hạn trong lãnh thổ nước Anh.

Cuối năm ngoái, các nhà đầu tư ở quốc gia đông dân nhất thế giới cũng nhảy vào mua thành công 13% cổ phần của tập đoàn sở hữu Man City.

Trước đó, tờ Metro còn khẳng định nhóm nhà đầu tư nước này sẵn sàng chi ra số tiền lên đến 2.51 tỷ bảng để thâu tóm cổ phần của Man United. Tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa thành vì các ông chủ người Mỹ còn chưa chịu gật đầu.

Ngoài Anh thì các tỷ phú Trung Quốc đang chuyển mục tiêu sang Italia. Hồi tháng 6 vừa qua, tập đoàn Suning Group đã mua lại 69% cổ phần của Inter Milan để trở thành tân chủ nhân của đội bóng danh tiếng này.

Suning Group chính là tập đoàn nắm quyền điều hành Jiangsu Suning – CLB mới chiêu mộ Ramires và Alex Teixera trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa qua.

Không chỉ Inter, đội bóng cùng thành phố từng 7 lần vô địch Champions League là AC Milan cũng chính thức rơi vào tay người Trung Quốc, theo xác nhận của đích thân chủ tịch Silvio Berlusconi.

Ông Berlusconi còn tiết lộ, tập đoàn của Trung Hoa sẽ rót vào số tiền khổng lồ 400 triệu euro trong 2 năm tới để giúp Milan tìm lại ánh hào quang xưa.

Khi người Trung Quốc làm loạn khắp nước Anh - Ảnh 3.

Cả Inter và Milan - những đội bóng danh tiếng từng giành Champions League cũng rơi vào tay người Trung Quốc.

Ngoài Anh và Italia thì Tây Ban Nha cũng là mảnh đất màu mỡ mà các tỷ phú ở đất nước đông dân nhất thế giới đang hướng tới.

Hiện đã có 2 đội bóng xứ Bò tót có số lượng cổ phần lớn rơi vào tay người Trung Quốc. Trong khi tập đoàn Rastar Group  sở hữu 56% của  Espanyol thì Dalian Wanda Group cũng nắm trong tay 20% của CLB Atletico Madrid.

Ngoài ra, người Trung Quốc cũng đang nắm giữ một số đội bóng khác như Slavia Prague tại Czech, CLB Sochaux của Pháp, ADO Den Haag (Hà Lan)…

Hiện tại, theo chỉ đạo của chính phủ, Trung Quốc đang chú trọng vào việc học hỏi cách kinh doanh bóng đá của người Anh và cách đào tạo cầu thủ của người Tây Ban Nha.

Mặc dù sở hữu hàng tỷ dân nhưng Trung Quốc chưa bao giờ được đánh giá cao ở môn bóng đá, trong khi bóng rổ nhà nghề Mỹ đã thu hút lượng khán giả lên tới hơn 400 triệu người ở nước này.

Vì thế, nhiều tỷ phú tại Trung Quốc đã bỏ tiền đầu tư vào bóng đá với tham vọng sẽ sinh lời nhờ lượng CĐV quá đông đảo ở đất nước này.

Trong những năm tới, chắc chắn dấu chân của người Trung Quốc sẽ còn tiếp tục mở rộng và viễn cảnh về việc họ sẽ thâu tóm những CLB lớn nhất ở lục địa già là điều hoàn toàn có thể xảy ra.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại