Xe quân sự và xe tăng của Ba Lan, Italy, Canada và Mỹ lăn bánh trong cuộc tập trận quân sự của NATO mang tên Namejs 2021 tại bãi huấn luyện ở Kadaga, Latvia, hôm 13/9/2021. Ảnh: AP
Theo đài Sputnik (Nga), hôm 11/9, các phương tiện truyền thông Anh đưa tin NATO có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn trên khắp nước Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic từ tháng 2 đến tháng 3/2024. Theo các nguồn tin thân cận với kế hoạch này, cuộc tập trận mang tên Steadfast Defender 24, dự kiến có sự tham gia của 41.000 binh sĩ, 50 tàu chiến và thực hiện khoảng 500 -700 nhiệm vụ không chiến.
Steadfast Defender được thiết kế để mô phỏng các hoạt động diễn tập tiềm năng chống lại kẻ thù giả định mang tên Occasus. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của NATO về mặt năng lực kỹ thuật, sử dụng dữ liệu địa lý trong thế giới thực để tạo ra các kịch bản thực tế hơn cho quân đội. Đây là cuộc tập trận đầu tiên thuộc loại này kể từ năm 2021. Trước đó, NATO hầu như đều tránh các cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng lân cận Nga trong bối cảnh lo ngại về phản ứng có thể xảy ra của Moskva.
Ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng cuộc tập trận này “được thiết kế để đặt Nga và các đồng minh vào tình thế bất lợi nhất”.
Vị chuyên gia này chỉ ra rằng cuộc tập trận dự kiến sẽ tập trung chủ yếu vào sức mạnh không quân, điều mà Ukraine đã hoàn toàn thiếu trong suốt cuộc phản công kéo dài 3 tháng trong mùa hè này. Ông nhấn mạnh các cuộc tập trận dường như nhằm mục đích “chuyển đổi từ chiến lược phản ứng với khủng hoảng sang một liên minh sẵn sàng chiến đấu”, giả sử có cuộc chiến tranh nhằm vào NATO. Động thái trên có liên quan đến tình hình xung đột ở Ukraine hiện nay.
Theo ông Maloof, các cuộc tập trận này nhằm mục đích “thể hiện sự phối hợp trong bối cảnh thời chiến”. NATO có thể sẽ sử dụng kinh nghiệm lĩnh hội được từ việc quan sát cuộc xung đột ở Ukraine để phối hợp thực hiện khả năng chiến đấu trên không, trên biển, trên bộ cũng như chiến tranh không gian và mạng.
Ông Maloof lưu ý thực tế, phần lớn kho dự trữ trang thiết bị của NATO đã cạn kiệt vì Ukraine. Ông cho biết châu Âu và Mỹ sắp cạn kiệt vũ khí và đạn dược, sau khi gửi gần 100 tỷ USD viện trợ vũ khí cho Kiev trong 18 tháng qua. Hơn nữa, ông không tin rằng NATO “đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu và một cuộc chiến trực diện thực sự” với Nga. Cựu quan chức này cũng cảnh bảo bất kỳ cuộc xung đột nào chắc chắn sẽ dẫn đến “tổn thất to lớn”.
“Nga chắc chắn sẽ sử dụng vũ khí siêu âm, và tên lửa siêu âm của họ sẽ chỉ mất vài phút để đến các thành phố châu Âu với rất ít thời gian cảnh báo”, ông nhấn mạnh.
Mặt khác, nếu Nga bị khối phương Tây tấn công trực tiếp trên thực địa, ông Maloof dự đoán rằng vũ khí hạt nhân sẽ được kích hoạt nhanh chóng, dựa trên những cảnh báo được nêu trong Học thuyết hạt nhân của Nga về phản ứng tiềm tàng của Moskva đối với các cuộc tấn công thông thường đe dọa sự tồn vong của đất nước.
Cựu quan chức của Lầu Năm Góc nhấn mạnh ngay cả trong cuộc chiến ở Ukraine, khi các nước phương Tây không đổ máu, cuộc xung đột này đã trở thành một “thảm họa” thực sự đối với các đồng minh của Washington, khiến nền kinh tế của các quốc gia này tụt dốc, giảm mức sống ít nhất một thập kỷ.
“Kho vũ khí của châu Âu không còn nhiều. Các ngành công nghiệp đang tụt dốc. Và ngay cả khi họ muốn khởi động lại ngành công nghiệp, họ cũng phải chuyển sang sản xuất thời chiến. Trong khi Nga có đủ dầu và khí đốt, phương Tây lại không đảm bảo được điều đó. Mùa đông này sẽ là một điểm đáng chú ý đối với châu Âu về những gì họ có thể đạt được, trái ngược với những giấc mơ viển vông và các cuộc tập trận quân sự mà họ tiến hành”, ông Maloof bình luận.