Cựu phó Phòng CSGT TP.HCM Trần Văn Thương hối lộ cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

HOÀNG THỌ |

Theo kết luận điều tra, bị can Trần Văn Thương (cựu Phó Phòng CSGT TP.HCM) đã đưa hối lộ 2.000 USD cho bị can Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam).

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP.HCM truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Trong 254 bị can bị đề nghị truy tố, có bị can Trần Văn Thương (cựu Phó Phòng CSGT đường bộ đường sắt, nay là Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08), Công an TP.HCM) bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ vì đã đưa hối lộ cho bị can Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 - 7/2021) để kiểm tra, đánh giá cho Trung tâm đăng kiểm 50-15D được hoạt động.

Cựu phó Phòng CSGT TP.HCM Trần Văn Thương hối lộ cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Thương.

Theo kết luận điều tra, năm 2018, các bị can Danh Thanh Tiền cùng Nguyễn Trọng Vĩnh và Đoàn Hải Linh góp vốn để thành lập Công ty TNHH Lâm Hà Trúc với mục đích thành lập, kinh doanh dịch vụ đăng kiểm tại TP.HCM.

Ngày 18/1/2019, Tiền mang hồ sơ đến trụ sở Cục Đăng kiểm (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) gặp trực tiếp ông Trần Kỳ Hình, đưa phong bì 10 triệu đồng tại phòng làm việc để xin cấp mã số đăng kiểm.

Sau khi nhận tiền, ông Hình ký cấp cho Tiền mã số trung tâm là 50-15D và ông Tiền đã lắp đặt hoàn thiện trang thiết bị phục vụ. Sau đó, Tiền gửi văn bản đến Cục Đăng kiểm đề nghị cử đoàn vào kiểm tra đánh giá lần đầu để Trung tâm đăng kiểm 50-15D có thể đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm không cử đoàn vào kiểm tra nên Vĩnh ra Hà Nội gặp Hình thì ông này cho biết không đồng ý để Tiền làm tại Trung tâm đăng kiểm 50-15D.

Sau này, Tiền bán lại toàn bộ cổ phần Công ty Lâm Hà Trúc cho Trần Văn Thương với số tiền 365 triệu đồng, rồi các cổ đông công ty bầu ông Thương làm Chủ tịch hội đồng quản trị.

Đến tháng 5/2019, Nguyễn Trọng Vĩnh và Trần Văn Thương ra Hà Nội gặp Trần Kỳ Hình tại phòng làm việc để xin cử đoàn kiểm tra đánh giá cho Trung tâm 50-15D được hoạt động. Hai người này đã đưa hối lộ cho và Hình 2.000 USD và được Hình đã đồng ý.

Ngày 18/6/2019, Hình ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho Trung tâm đăng kiểm 50-15D đưa vào hoạt động.

Cựu phó Phòng CSGT TP.HCM Trần Văn Thương hối lộ cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN- Ảnh 2.

Công an TP.HCM lấy lời khai các bị can.

Cũng theo kết luận điều tra, bị can Thương là người đại diện công ty nhưng không trực tiếp điều hành, mà giao toàn quyền quyết định tại  Trung tâm đăng kiểm 50-15D cho Vĩnh và Linh.

Từ đó, Vĩnh bàn bạc với Linh và Vũ Hữu Bình (bảo vệ trung tâm) để thống nhất cho Bình đứng ra móc nối với các đối tượng môi giới để nhận hối lộ của chủ các xe đăng kiểm định kỳ và nghiệm thu xe cải tạo để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ.

Việc trung tâm móc nối "cò" để nhận hối lộ từ chủ xe, cựu bị can Thương không biết. Hiện, bị can đã giao nộp lại toàn bộ 180 triệu đồng.

Chuyển hơn 300.000 bút lục qua VKSND TP.HCM

Cơ quan CSĐT chuyển kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ với hơn gần 300.000 bút lục đến VKSND TP.HCM để đề nghị truy tố đối với 254 bị can. Cơ quan điều tra đã thu hồi, tạm giữ và các bị can giao nộp khắc phục tổng cộng hơn 43 tỷ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản có liên quan khác.

Hiện, Công an cấp huyện tiếp tục điều tra điều tra độc lập đối với 5 vụ án với 55 bị can về các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm 50-04V, 50-02S, 50-01S, 50-09D, 50-12D; khẩn trương kết thúc điều tra theo đúng thời hạn điều tra theo luật định.

Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, kết luận điều tra theo đúng thời hạn, tiến độ được giao.

Cựu phó Phòng CSGT TP.HCM Trần Văn Thương hối lộ cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN- Ảnh 3.

Bị can Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Công an TP.HCM cũng đã kịp thời báo cáo Bộ Công an kiến nghị Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện một loạt nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, điển hình như: miễn đăng kiểm xe cơ giới lần đầu, giãn cách chu kỳ đăng kiểm, phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương…

Những kiến nghị này góp phần từng bước quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới vừa góp phần nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại