Một kỹ sư kỹ thuật của Công ty Công nghệ Thám hiểm Vũ trụ (Space Exploration Technologies Corporation - SpaceX) vừa mới bị đuổi việc vì phàn nàn với quản lý rằng các quy trình thử nghiệm lắp ráp tên lửa không được đúng chuẩn và kết quả của thử nghiệm đã bị sai, gây nguy hiểm cho chuyến hành trình có người lái có thể có trong tương lai.
Đó là anh Jason Blasdell, người đã khẳng định rằng mình đã báo cáo những lỗi lầm nghiêm trọng kia lên tới người có trọng trách cao nhất: người sáng lập và chủ tịch của SpaceX, Elon Musk.
Trong năm 2014, chỉ vài tháng trước khi anh bị cho thôi việc vì lý do “cố ý phá hoại”, Blasdell đã đưa những tài liệu chỉ ra những điểm không an toàn trong thử nghiệm lên cấp trên.
Tòa án bang Los Angeles sẽ chịu trách nhiệm xác định xem những tài liệu mà Blasdell đưa ra có thực sự là chính xác hay không, có thực là những thử nghiệm tên lửa đã không được kiểm soát chặt chẽ và xác định xem việc anh bị đuổi có thực sự bất công không.
“Những hành động mà anh đã làm là một quá trình đúng đắn, đúng với những gì mà anh được học khi còn là một người lính Hải quân”, luật sư của Blasdell, Carney Shegerian nói với thâm phán trong buổi mở màn phiên tòa diễn ra hôm thứ Ba vừa rồi.
“Thân chủ của tôi không được chút lợi ích cá nhân nào trong việc này, anh đã làm việc đúng đắn”.
SpaceX đã trình diện những tài liệu sai lệch cho chính phủ, cắt giảm những phần đảm bảo an toàn trong dự án của mình và đã cho rằng anh Blasdell “không chịu nghe lệnh từ cấp trên” khi liên tục đưa lên những tài liệu trên lên ban quản trị của công ty. Đó là những gì luật sư Shegerian nói đầu tuần vừa rồi.
Luật sư Carney Shegerian.
Những quyết định dựa trên yếu tố khoa học
Thẩm phán Tòa án Tối cao California, ông William Fahey đã loại bỏ việc các thẩm phán khác đưa ra những dự đoán liên quan đến các yếu tố khoa học trong các quyết định của kỹ sư SpaceX và các phán quyết kinh doanh được những người quản lý SpaceX đưa ra.
Nói đơn giản, thì các thẩm phán sẽ không được đặt ra các câu hỏi liên quan tới các khía cạnh khoa học cũng như các quyết định kinh doanh của SpaceX. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài 2 tuần.
“Jason Blasdell không phải là một người nói ra các bí mật sâu kín của công ty và đây không phải là một vụ việc như vậy”, luật sư của SpaceX, Lynne Hermle nói trong buổi mở màn phiên tòa. Jason Blasdell không phải một Edward Snowden khác, anh không cố gắng tiết lộ bất cứ thông tin mật nào cả.
Bà Lynne Hermle.
Anh chưa từng quan sát hay thực hiện bất kì bài thử tên lửa sai quy cách nào mà cũng chưa từng phàn nàn về những bài thử sai, chưa bao giờ mang những thắc mắc và lo lắng của mình tới chính quyền các cấp, luật sư Hermle nói với các thẩm phán.
Luật sư của SpaceX còn nói thêm rằng Blasdell bị đuổi việc là do khả năng làm việc của anh càng ngày càng khó chấp nhận và những đồng nghiệp của anh tỏ rõ sự lo lắng về sự an toàn của chính họ, khi phải làm việc chung với Blasdell.
Những sứ mệnh của NASA
SpaceX dự kiến bay từ 20 tới 24 chuyến nội trong năm 2017 này, bao gồm những sứ mệnh vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA và một vài chuyến đưa các vệ tinh khác lên quỹ đạo.
Hợp động của SpaceX với NASA có giá trị lên tới 4,2 tỷ USD, với mục tiêu tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS sử dụng tàu không gian không người lái Dragon, bên cạnh đó cung cấp cho các phi hành gia hiện đang có mặt trên ISS một phiên bản khác của tàu Dragon, có khả năng mang theo một phi hành đoàn nhỏ.
Blasdell đã kiện Hawthorne, trụ sở của SpaceX đặt tại California hai năm sau khi anh bị đuổi vào ngày mùng Một tháng tư năm 2014.
Anh đã làm việc tại công ty vũ trụ tư nhân này hơn ba năm, với chức vụ thử nghiệm các thành phần của tên lửa Falcon 9 cũng như tàu vũ trụ Dragon. Đó là những gì anh nêu trong đơn kiện của mình.
Anh cáo buộc các quản lý bộ phận thử nghiệm đã gây sức ép với các nhân viên kỹ thuật, bắt họ viết nên những kết quả báo cáo thử nghiệm sai lệch và ký xác nhận những bài thử chưa từng được thực hiện, những bài thử nằm trong quy chuẩn sẵn có.
Đơn kiện của anh ghi rõ rằng những hành vi này “là cực kì nguy hiểm và có thể dẫn tới việc các thành phần tên lửa bị hỏng hoặc bị lỗi sẽ được lắp đặt lên tên lửa của SpaceX, có thể khiến tên lửa phát nỗi trên quỹ đạo hay tệ hơn, có thể gây thương vong về người”.
Blasdell nói rằng quản lý của mình đã xem nhẹ những lo lắng của anh, và rằng họ không muốn làm chậm quá trình sản xuất lại. Đầu năm 2014, anh đã gặp trực tiếp Elon Musk để trình bày về những lo lắng của mình.
Musk lúc ấy đã nói rằng ông sẽ xử lý vấn đề này nhưng theo đơn kiện, Blasdell nói rằng Musk chưa bao giờ giữ lời hứa của mình.
“Những người quản lý của tôi biết rõ vấn đề này nhưng không hề sửa chữa nó”, Blasdell khẳng định tại tòa.
Vụ kiện này sẽ còn kéo dài nữa, không rõ công ty mà chúng ta đều thần tượng kia có thực sự bê bối như lời cáo buộc trong đơn kiện, hay đây cũng chỉ là một trong nhiều nỗ lực hạ uy tín SpaceX cũng như Elon Musk xuống. Ta sẽ phải chờ phán quyết từ tòa án.