Phát biểu tại một diễn đàn hôm 8/6, ông del Rosario cho rằng Philippines có thể nhắm vào lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại Tập đoàn điện lưới quốc gia Philippines (NGCP) và Dito Telecommunity.
Trung Quốc có 40% cổ phần tại NGCP - doanh nghiệp vận hành lưới điện và phân bổ hạ tầng điện của Philippines; còn DITO là một liên danh giữa hai hãng China Telecom (Trung Quốc) và Udenna Corp (Philippines).
Dù Thượng viện Philippines phát hiện tại một phiên điều trần trước đây về tỷ lệ sở hữu 40% của Trung Quốc tại NCGP, song các quan chức Trung Quốc khẳng định điều này không đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ kiểm soát lưới điện của Philippines.
Nhà chức trách Philippines có quyền tịch thu các tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc tại Philippines để trả khoản nợ của Trung Quốc đối với nhân dân Philippines, một khi toàn bộ thiệt hại bằng tiền do Trung Quốc gây ra được xác định.
"Trung Quốc có thể bị buộc chịu trách nhiệm tại đất nước chúng ta, và chính phủ Philippines cần đứng lên vì người dân," ông del Rosario nói.
Cựu ngoại trưởng Philippines cáo buộc Trung Quốc "gây ra sự hủy diệt lớn nhất, gần như vĩnh viễn và tàn phá tài nguyên biển" trên biển Đông.
"Nói cách khác, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm to lớn và nợ hàng tỷ peso vì hành vi lạm dụng của họ" tại biển Đông - ông bổ sung.
Del Rosario trích dẫn nghiên cứu của Viện khoa học hàng hải UP (Philippines), ước tính nước này tổn thất ít nhất 33 tỉ peso (hớn 660 triệu USD) hàng năm bởi những thiệt hại sinh thái trên biển Đông do hành vi xây dựng đảo nhân tạo trái phép và đánh bắt cá của Trung Quốc gây ra.
"Tổng số thiệt hại đã lên đến hơn 231 tỉ peso tính từ đầu năm 2014. Trung Quốc đã từ chối trả nợ cho người dân Philippines. Đây là lúc người Philippines đoàn kết và đòi lại những gì xứng đáng từ Trung Quốc."
Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, cũng tham dự diễn đàn ngày 8/6 cùng ông del Rosario, từng đề xuất một nghị quyết tại Thượng viện về thúc giục Trung Quốc trả tiền cho những thiệt hại ở biển Đông.
"Chính phủ Philippines cần phải xác định rằng đây là chủ trương hết sức hợp lý và hợp pháp," bà Hontiveros nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hồi tháng 4 phản bác rằng yêu sách của bà Hontiveros về khoản bồi thường từ Bắc Kinh là "phi lý và vô trách nhiệm đến nực cười".
Trung Quốc đã thúc đẩy xây dựng, cải tạo trái phép ở nhiều thực thể trên biển Đông từ trước khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền năm 2016. Người tiền nhiệm của ông là Benigno Aquino III đã có chiến thắng pháp lý trước Bắc Kinh trong vụ kiện tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 - với phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra để đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông.
Chính quyền Duterte cho đến nay chưa thúc đẩy việc thực thi phán quyết trên, thay vào đó là phát triển các liên hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc về kinh tế và chính trị.