Trung Quốc lấn sâu xuống biển Đông, đe dọa luôn Malaysia, Indonesia

Xuân Mai |

Bắc Kinh liên tục khẳng định tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của mình nhưng tàu Trung Quốc bị cáo buộc xua đuổi tàu nước khác đang thăm dò tài nguyên ở biển Đông.

Theo đài CNN hôm 8-6, các chuyên gia cho rằng các tàu Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật ngày càng mạnh bạo, có nguy cơ gây ra xung đột mới với các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia.

Ông Greg Polling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), cho biết tàu Trung Quốc mở rộng hiện diện ở biển Đông nhờ các đảo nhân tạo trái phép ở vùng biển này.

Theo ông Polling, các đảo nhân tạo trái phép trở thành căn cứ trên biển của tàu Trung Quốc, biến Malaysia và Indonesia thành các quốc gia tiền tuyến. Bất kỳ ngày nào cũng có hàng chục tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và hàng trăm tàu cá sẵn sàng ra khơi.

Cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và bị cho là không có giá trị pháp lý trong phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016. Bất chấp điều đó, từ năm 2015, Trung Quốc đã bồi lắp trái phép các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng. Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã tạo ra một đội tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc có thể được triển khai ở biển Đông để quấy rối các tàu nước khác trong khu vực.

Giới quan sát cho hay việc Bắc Kinh leo thang khiêu khích ở khu vực được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định Trung Quốc không ngừng tuyên truyền rằng Mỹ đang rút khỏi vị trí cường quốc toàn cầu, từ đó giúp Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Trung Quốc lấn sâu xuống biển Đông, đe dọa luôn Malaysia, Indonesia - Ảnh 2.

Tàu khu trục USS Mustin của Mỹ trong một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tại biển Đông gần đây Ảnh: Hải quân Mỹ

Chuyên gia này cho rằng: "Trung Quốc muốn các nước Đông Nam Á thấy rằng sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy giảm và cam kết của nền kinh tế đứng đầu thế giới đối với khu vực đang suy yếu. Song song đó, Bắc Kinh muốn chứng tỏ rằng những vấn đề kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của họ trên biển Đông".

Tuy nhiên, kế hoạch của Trung Quốc đối mặt không ít rủi ro. Mỹ đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông, đồng thời nỗ lực hỗ trợ trực tiếp các quốc gia Đông Nam Á ở biển Đông. Hải quân Malaysia hồi tháng 5 đã nhận được lô máy bay không người lái giám sát đầu tiên từ Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại