Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: The Times
Trong cuộc phỏng vấn này, Kissinger đã nêu quan điểm của mình về các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chính khách thời chiến tranh lạnh cũng nói về vai trò của Nga, Trung Quốc và những khoảnh khắc nguy hiểm mới.
Henry Kissinger sinh ngày 27/5/1923 tại Đức, đã bước sang tuổi 99. Adolf Hitler của Đức Quốc xã lên nắm quyền khi Kissinger mới 10 tuổi. Khi 15 tuổi, Kissinger cùng gia đình di cư đến Mỹ, nơi đầu tiên họ đặt chân đến là thành phố New York. Cựu ngoại trưởng Mỹ đã rời nhiệm sở cách đây 45 năm.
Khả năng tư duy chiến lược "siêu phàm"
Nhà sử học Niall Ferguson nhận định, dù tuổi đã cao, nhưng Kissinger không mất đi khả năng tư duy chiến lược "siêu phàm" và có thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề hóc búa nhất. Ông có một khả năng trí tuệ đặc biệt, hoàn toàn khác với các nhà hoạch định và thi hành chính sách đối ngoại khác cùng thế hệ với ông cũng như các thế hệ sau.
Để chứng minh điều này, nhà sử học người Scotland cho biết, trong khi ông đang bận rộn viết cuốn tiểu sử thứ hai của Kissinger, thì chính trị gia kỳ cựu của Mỹ đã xuất bản không chỉ một, mà là hai cuốn sách. Cuốn đầu tiên về trí tuệ nhân tạo và cuốn thứ hai là một bộ sưu tập gồm 6 ấn phẩm nghiên cứu về tiểu sử của các nhà lãnh đạo thế giới. Hai cuốn sách này được cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt và nhà khoa học máy tính Daniel Hottenlocher đồng tác giả.
Ông Ferguson kể lại: "Chúng tôi gặp nhau tại một ngôi nhà nhỏ nghỉ dưỡng của Kissinger ở vùng nông thôn, bên trong khu rừng Connecticut, nơi ông và vợ - bà Nancy - đã dành phần lớn thời gian ở đây kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đây là lần đầu tiên sau 48 năm kết hôn, Tiến sĩ Kissinger đã có thể nghỉ ngơi, thoát khỏi sự cám dỗ của các nhà hàng sang trọng ở Manhattan và những bữa tiệc chiêu đãi ở Bắc Kinh. Ông đã giảm được nhiều cân. Mặc dù phải chống gậy khi đi lại, dùng máy trợ thính và nói rất chậm, nhưng hoàn toàn không nhầm lẫn và đầu óc của ông vẫn minh mẫn như ngày nào."
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: The Times
Sở trường chọc giận cả cánh tả lẫn cánh hữu
Kissinger cũng không đánh mất đi sở trường của mình trong việc chọc giận các giáo sư tự do và các sinh viên tiến bộ tại Đại học Harvard - nơi ông xây dựng danh tiếng của mình như một học giả và một nhà trí thức của công chúng trong những năm 1950 và 1960.
Theo nhà sử học Ferguson, mọi ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia (chức vụ đầu tiên mà H. Kissinger nắm giữ trong chính phủ Mỹ) đều phải đưa ra lựa chọn gây tranh cãi.
Antony Blinken và Jake Sullivan - những người hiện đang giữ các vị trí đó - năm ngoái đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan và năm nay đang viện trợ vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD cho Ukraine. Bằng cách nào đó, những hành động đó đã không khơi dậy phản ứng trái chiều như đã hướng tới Kissinger trong nhiều năm qua về vai trò của ông trong các sự kiện như Chiến tranh Việt Nam.
Không gì có thể chứng minh rõ ràng hơn khả năng của Kissinger chọc giận của cả cánh tả và cánh hữu là cuộc tranh cãi nổ sau bài phát biểu ngắn gọn của ông vào ngày 23/5 vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ).
Kissinger phát biểu: "Một nền hòa bình nào đó cuối cùng phải được đàm phán, ranh giới phân chia giữa Ukraine và Nga nên trở lại nguyên trạng trước đây". Đó là thời điểm trước ngày 24/2/2022.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã vô cùng tức giận và công kích Kissinger dữ dội vì tuyên bố này, cáo buộc ông đang tìm cách xoa dịu Nga.
Mặc dù vậy, Kissinger vẫn tin rằng, ông Zelensky "đang thực hiện một sứ mệnh lịch sử" và ông Zelensky xuất thân từ một gia đình chưa từng xuất hiện trong giới lãnh đạo Ukraine ở bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử từ trước tới nay, là người Do Thái giống như mình.
Kissinger nói về hai Tổng thống Zelensky và Putin
Kissinger nói rằng ông Zelensky là một Tổng thống đã "dám" đối đầu với Nga, đồng thời huy động được tiềm lực quốc gia và dư luận quốc tế ủng hộ mình một cách mạnh mẽ nhất. Cựu Ngoại trưởng Mỹ mô tả đây là một thành tựu tuyệt vời của Tổng thống Ukraine.
Tuy nhiên, theo Kisinger, câu hỏi vẫn còn đặt ra là liệu ông Zelensky có thể duy trì điều đó trong việc kiến tạo hòa bình, đặc biệt là một nền hòa bình đòi hỏi một số hy sinh hay không?
Sau đó, nhà sử học người Scotland đã hỏi Kissinger về đối thủ của ông Zelensky là Tổng thống Nga Putin - người mà Kissinger đã gặp nhiều lần kể từ đầu những năm 1990 khi ông Putin còn là Phó thị trưởng thành phố St. Petersburg.
Kissinger đã nhiều lần gặp gỡ ông Putin. Ảnh: The Times
Kissinger cho biết, ông Putin là một "nhà phân tích sâu sắc", dựa trên quan điểm coi Nga là một thực thể thần bí được gắn kết với nhau trong một đất nước rộng lớn có tới 11 múi giờ bằng "nỗ lực tinh thần". Theo quan điểm này, Ukraine luôn đóng một vai trò đặc biệt, nhưng điều này lại mâu thuẫn với những giai đoạn lịch sử khi Ukraine tách khỏi Đế chế Nga.
Tuy nhiên, Kissinger lại nói, vấn đề của Tổng thống Putin là Nga đang gặp khó khăn và đánh giá sai về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này.
Về việc mở rộng NATO
Trả lời câu hỏi liệu NATO có kết nạp Phần Lan và Thụy Điển hay không và như vậy liên minh này có trở nên quá lớn không?
Chính trị gia kỳ cựu này cho rằng, các thành viên của NATO nhất trí với nhau trong vấn đề Ukraine, bởi vì nó nhắc nhở về những mối đe dọa cũ. NATO đã hành động cực kỳ tốt và ông ủng hộ những gì họ đã làm. Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để kết thúc cuộc chiến ở đó.
Cuối cùng, cần phải tìm được một chỗ đứng cho Ukraine và một chỗ đứng cho Nga trên thế giới, nếu không muốn Nga trở thành một tiền đồn của Trung Quốc ở châu Âu.
Trung Quốc thay thế Liên Xô
Về Trung Quốc, Kissinger nói, nước này đang đóng vai trò giống như Liên Xô trước đây và thế giới hiện nay đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai. Ông nhấn mạnh rằng, hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc với khả năng có thể áp đặt quyền bá chủ của mình lên toàn cầu, đang đối đầu với nhau như những đối thủ cạnh tranh lớn nhất.
Kissinger nói, Chiến tranh Lạnh thứ hai còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn Chiến tranh Lạnh thứ nhất, bởi vì cả hai siêu cường hiện nay đều có các nguồn lực kinh tế tương đương (điều này chưa bao giờ xảy ra trong Chiến tranh Lạnh thứ nhất) và các công nghệ hủy diệt thậm chí còn đáng sợ hơn, đặc biệt là với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo.
Điều này có nghĩa là chiến tranh sẽ dẫn đến sự thụt lùi của nền văn minh, nếu không muốn nói là hủy diệt nó.
Tuy nhiên, ông cũng nói, hai siêu cường "có nghĩa vụ chung tối thiểu để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thảm khốc xảy ra."
Kissinger nói về Việt Nam
Henry Kissinger đã nhân cuộc gặp lịch sử với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1971 tại Bắc Kinh để đề xuất thay đổi căn bản trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, nhằm đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Kissinger gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1971 tại Bắc Kinh. Ảnh: The Times
Năm 2019, Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ đã công bố hồ sơ mật đã được giải mã về biên bản cuộc họp ngày 9/7/1971, trong đó Kissinger - khi đó là cố vấn an ninh quốc gia - cam kết rằng Mỹ sẽ không ủng hộ độc lập cho Đài Loan.
Tài liệu số 139 nằm trong tập 17 về Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, giai đoạn 1969-1976, khẳng định lời thừa nhận của Kissinger rằng: "Việt Nam là một đất nước anh hùng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc vĩ đại". Điều này được chính cựu cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ nói ra trong cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Trung Quốc năm 1971.
Những tài liệu này cũng chỉ ra rằng, chính quyền cựu Tổng thống Richard Nixon đã quyết tâm rút khỏi miền Nam Việt Nam, thậm chí là đơn phương, kể cả khi điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn.
Henry Alfred Kissinger sinh ngày 27/5/1923, là một chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà tư vấn địa chính trị người Mỹ gốc Đức, từng là Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.
Là một người tị nạn Do Thái cùng gia đình chạy trốn khỏi Đức Quốc xã năm 1938, ông trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia năm 1969 và Ngoại trưởng Mỹ năm 1973. Do tham gia vào các cuộc đàm phán tại Paris về ngừng bắn ở Việt Nam, năm 1973, Kissinger đã nhận được Giải thưởng Nobel Hòa bình trong hoàn cảnh gây tranh cãi: hai thành viên của ủy ban trao giải đã từ chức để phản đối.
Là một thành viên của Realpolitik (chính trị thực tế), Kissinger đóng một vai trò nổi bật trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ năm 1969 đến năm 1977. Trong giai đoạn này, ông là người khởi xướng chính sách hòa dịu với Liên Xô, nối lại quan hệ với Trung Quốc, tham gia vào các hoạt động ngoại giao con thoi ở Trung Đông nhằm chấm dứt Chiến tranh tháng 10/1973 giữa Israel và các nước Ả Rập, đàm phán Hiệp định Hòa bình Paris nhằm chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam.
Chính sách Realpolitik của Kisinger đã dẫn đến các hành động gây tranh cãi như việc Mỹ tham gia vào cuộc đảo chính quân sự ở Chile năm 1973, ủng hộ Pakistan trong cuộc chiến với Bangladesh, bất chấp tội ác diệt chủng do Pakistan gây ra.
Sau khi rời chính phủ, ông thành lập Kissinger Associates - một công ty tư vấn địa chính trị quốc tế. Kissinger cũng đã viết hơn mười cuốn sách về lịch sử ngoại giao và quan hệ quốc tế.
Kissinger là một nhân vật gây tranh cãi và phân cực trong chính trường Mỹ. Những đánh giá về Henry Kissinger có sự khác biệt rất lớn. Nhiều học giả hàng đầu của Mỹ coi Kissinger là Ngoại trưởng Mỹ có tầm ảnh hưởng nhất kể từ năm 1965; trong khi nhiều nhà hoạt động nhân quyền và luật sư lại lên án, cáo buộc ông là tội phạm chiến tranh.
Sau khi cựu Ngoại trưởng George Shultz qua đời vào tháng 2/2021, hưởng thọ 100 tuổi, Kissinger là cựu thành viên chính phủ Mỹ cao tuổi nhất còn sống và là thành viên cuối cùng còn lại trong chính quyền của Tổng thống Nixon.