Cục trưởng Cục Lãnh sự bị đề nghị xử lý nghiêm
Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, trong quá trình điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", hầu hết các bị can đều ăn năn hối lỗi, tích cực hợp tác để làm rõ hành vi phạm tội, một số người tự nguyện nộp lại toàn bộ hoặc một phần số tiền nhận hối lộ.
Tuy nhiên, có 4 bị can không thành khẩn, trái lại còn gây khó khăn cho cơ quan điều tra, trong đó có bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự. Bà Lan bị cáo buộc đã tham mưu Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ giao cho Cục Lãnh sự là đơn vị chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Cục QLXNC Bộ Công an xét duyệt, cấp phép thực hiện chuyến bay giải cứu cho doanh nghiệp.
Theo cơ quan điều tra, quá trình làm việc, bà Lan không tham mưu cho Chính phủ ban hành quy chế, tiêu chí, điều kiện doanh nghiệp tham gia chuyến bay, quản lý giá; không yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đúng chức năng “bảo hộ công dân của mình" về việc hướng dẫn công dân liên hệ với doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay; để tự người dân liên hệ với đại lý của doanh nghiệp dẫn đến chi phí tăng cao; khi thẩm định hồ sơ, không yêu cầu doanh nghiệp báo giá; không công bố công khai danh sách những doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay Combo để công dân lựa chọn.
Ngược lại, bà Lan đã hướng dẫn doanh nghiệp “thân cận” mượn nhiều pháp nhân khác nhau để xin chuyến bay; chỉ đạo cấp dưới lựa chọn doanh nghiệp “thân cận” đưa vào kế hoạch bay.
Cơ quan điều tra cho rằng, sau khi được Tổ công tác 5 Bộ đồng ý, bà Lan tiếp tục chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện, thực hiện theo đề xuất của những doanh nghiệp “thân cận” được thực hiện chuyến bay trước.
Đối với các doanh nhiệp khác, bị can chỉ đạo cấp dưới sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, số lượng công dân trên chuyến bay mà doanh nghiệp đã đề xuất dẫn đến doanh nghiệp bị động, buộc tách chuyến, “chạy” xin thêm công dân để đủ số ghế trên chuyến bay.
Với các phương thức, thủ đoạn nêu trên, đã có 8 đại diện các doanh nghiệp phải liên hệ, đưa hối lộ tổng cộng hơn 25 tỷ đồng cho bà Lan.
“Hành vi của Nguyễn Thị Hương Lan phạm tội ‘Nhận hối lộ’. Quá trình điều tra, Hương Lan không nhận thức được hành vi phạm tội, không ăn năn, hối cải; không hợp tác với cơ quan điều tra, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật”, cơ quan điều tra kết luận và đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng với bị can trong giai đoạn truy tố, xét xử.
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan.
Không hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan điều tra
Cùng với Hương Lan, bị can Bùi Huy Hoàng, nguyên là chuyên viên Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, ban đầu tích cực hợp tác nhưng sau đó thay đổi lời khai, phủ nhận hành vi phạm tội.
Trong vụ án, cơ quan điều tra cáo buộc Hoàng, không có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xem xét, phê duyệt chuyến bay, nhưng vì động cơ vụ lợi đã làm trung gian môi giới, nhận hơn 3,3 tỷ đồng của bị can Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc. Qua đó, Hoàng đưa hơn 2,6 tỷ đồng cho các cá nhân có thẩm quyền trong Tổ công tác 5 Bộ và địa phương để xin tổ chức 2 chuyến bay và được chấp thuận cách ly tại Hải Dương. Hoàng bị xác định hưởng lợi hơn 671 triệu đồng.
Tương tự, bị can Ngô Quang Tuấn , nguyên Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải, bị cơ quan điều tra cáo buộc chưa thành khẩn khai báo, không nhận thức được hành vi phạm tội.
Tuấn với vai trò là Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, đã lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu cho lãnh đạo Vụ này trình lãnh đạo Bộ GTVT xét duyệt, cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước và nhận hối lộ 1,5 tỷ đồng và 10.000 USD.
Sau khi vụ án bị khởi tố điều tra, Ngô Quang Tuấn thông qua tài khoản của chị gái Ngô Thị Lan Phương trả lại bị can Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA, hơn 940 triệu đồng, số còn lại Tuấn chiếm hưởng.
Với sai phạm trên, Tuấn bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS.
Cuối cùng là bị can Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Hòa, người này gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Trong vụ án, Tuấn bị đề nghị truy tố hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ".
Theo cáo buộc, bị can Tuấn đã thỏa thuận, thống nhất với bị can Phạm Bích Hằng, Phó giám đốc Công ty Du lịch quốc tế, chi tiền xin cấp giấy phép tổ chức thực hiện chuyến bay Combo để cùng hưởng lợi nhuận.
Mặc dù không phải chi tiền cho tất cả các cá nhân có thẩm quyền tại UBND TP Hà Nội xin chủ trương cách ly; không phải chi tiền cho tất cả các thành viên trong tổ công tác 5 Bộ, song ông Tuấn vẫn yêu cầu bà Hằng chuyển tiền để chi phí.
Theo yêu cầu của Tuấn, bà Hằng đã đưa cho bị can hơn 6,5 tỷ đồng. Số tiền này, Tuấn chỉ sử dụng khoảng 900 triệu đồng, chỉ đạo bị can Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty Thái Hòa, đưa cho các cá nhân có thẩm quyền và người liên quan, số còn lại Tuấn chiếm hưởng.