Cựu chỉ huy NATO: Các nước cần đoàn kết đối phó Trung Quốc ở biển Đông

Đỗ Quyên |

Cựu chỉ huy NATO phát biểu tại diễn đàn ở Đài Bắc rằng sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông là "thách thức địa chiến lược lớn nhất trong khu vực".

Đô đốc Hải quân Mỹ về hưu James Stavridis, cựu chỉ huy NATO, kêu gọi các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương hành động đoàn kết để giải quyết sự gia tăng sức mạnh trên biển và các hành động mở rộng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, thay vì cách tiếp cận thù địch, cần hành động theo "cách thông thái và ngoại giao", ông Stavridis nói tại diễn đàn hôm 30-8.

Phát biểu tại diễn đàn ở Đài Bắc về thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, vị cựu chỉ huy NATO cho rằng việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông và quân sự hóa trái phép những đảo này đã gây thách thức địa chiến lược lớn nhất trong khu vực. Đồng thời, hành động ngang ngược đó cũng gây khả năng xung đột cao nhất tại đây.

"Điều đó không có nghĩa là chúng ta đang đi đến chiến tranh" - ông Stavridis nói, đồng thời nhấn mạnh thêm các nước cùng chí hướng, gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand, Pháp và Anh, đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trên biển, nên cùng nhau hành động để hình thành một "mặt trận kiên quyết" nhằm giải quyết với Bắc Kinh.

Cũng theo lời vị đô đốc về hưu, trong khi Washington có thể giúp tìm ra cách vuợt qua những thách thức ở châu Á, Mỹ cũng không cần phải là bên luôn đứng ra giải quyết các đe dọa khu vực như chương trình hạt nhân của Triều Tiên và sự mở rộng quân sự của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.

Lấy ví dụ từ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tại biển Hoa Đông, ông Stavridis nói rằng tranh chấp này không leo thang bởi Bắc Kinh biết "mặt trận kiên quyết" của Nhật và Mỹ trong vấn đề này.

"Nếu chúng ta có một mặt trận kiên quyết, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đàm phán hơn để có một giải pháp ngoại giao" - ông Stavridis khẳng định, đồng thời cho rằng vấn đề này cần sự kiên nhẫn và thời gian.

Vị cựu chỉ huy cũng cho hay đối thoại, ngoại giao, các biện pháp kinh tế, sự hợp tác là rất cần thiết để bắt đầu nói chuyện với Trung Quốc, điều đó có thể giúp thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở trong khi tránh được xung đột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại