John McCain: Người gọi Biển Đông là "East Sea" và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam

Thi Anh |

"Có những chuyện từng xảy ra trong quá khứ nhưng điều đó không thay đổi quan điểm của tôi rằng người Việt rất tuyệt vời và là những người bạn vô cùng đáng mến". - John McCain.

"Trong suốt nhiều năm, tôi biết rất ít về Việt Nam. Tôi biết dáng hình đất nước qua ảnh chụp từ trên cao hoặc từ buồng lái chiếc A-4 của mình. Tôi biết những thanh âm của cuộc sống bên ngoài bức tường nhà tù và những khoảnh khắc thoáng qua từ vết nứt trên cánh cửa phòng giam".

"Thế nhưng, Việt Nam lại tác động sâu sắc tới cuộc đời tôi hơn bất cứ trải nghiệm với bất kỳ đất nước nào khác ngoài Tổ quốc mình. Và những quan sát nhỏ nhặt, ngẫu nhiên trong suốt cuộc chiến gần như không liên quan gì tới hồi ức của tôi về Việt Nam. Chúng chỉ điểm tô thêm chút màu sắc vào những kỷ niệm tôi có ở một nơi mà tôi đã học được nhiều bài học quan trọng nhất trong đời".

- John McCain -

John McCain: Người gọi Biển Đông là East Sea và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh 2.

Vào Ngày Tưởng niệm năm 1993, có hai Thượng nghị sĩ Mỹ tới thăm một nhà tù ở trung tâm Hà Nội. Đó là một tòa nhà lớn, khép kín trong một khu phức hợp giữa thành phố đông đúc. Người Việt gọi nơi này là Hỏa Lò, còn người Mỹ thì đặt cho nó cái tên Hanoi Hilton. Trong chiến tranh Việt Nam, đây là nơi giam giữ các phi công Mỹ.

Với một trong hai người họ, chuyến tham quan này giống như hành trình thăm lại chốn xưa. Là một phi công lái máy bay ném bom, John McCain từng bị giam tại đây suốt hơn 5 năm, từ tháng 10/1967 cho tới tháng 3/1973.

John McCain: Người gọi Biển Đông là East Sea và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh 3.

John McCain được đưa lên bờ sau khi máy bay của ông rơi xuống hồ Trúc Bạch. Ảnh: AP

Những năm tháng nằm phòng giam có lẽ đã phần nào định hình phần đời còn lại của John McCain.

Sau cuộc chiến, ông dành thời gian để vun đắp cho thứ mà ông tin tưởng, một nỗ lực không ngơi nghỉ để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quan hệ cho hai đất nước từng có thời đứng ở hai bên bờ chiến tuyến.

John McCain: Người gọi Biển Đông là East Sea và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh 4.

Nỗ lực ấy không hề dễ dàng và phải kể tới bất đồng giữa ông với người bạn từng "chung khám" Sam Johnson.

Cả hai người đều lái máy bay ném bom Việt Nam, bị bắn hạ và bắt giữ. Họ đã nằm cạnh nhau suốt 8 tháng trong nhà tù Hỏa Lò. Khi trở về nước Mỹ quê nhà, họ đều theo đuổi nghiệp chính trị trong Đảng Cộng hòa và vào Quốc hội.

Thế nhưng, John McCain và Sam Johnson lại có một bất đồng không thể hóa giải.

Hai mươi năm sau ngày Giải phóng miền Nam Việt Nam, McCain đã trở thành một trong những nhà vận động đi đầu trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ngược lại, Johnson phản đối gay gắt việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên.

Khác biệt trong quan điểm của Johnson và McCain phản ánh bất đồng sâu sắc giữa các cựu binh chiến tranh Việt Nam về việc Mỹ có nên công nhận một quốc gia mà mình đã tham chiến suốt 14 năm và là nơi 58.000 người Mỹ bỏ mạng hay không. Cuộc tranh cãi đã gây chia rẽ trong các đảng phái của Mỹ.

John McCain: Người gọi Biển Đông là East Sea và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh 5.

Cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry, ông John McCain đã nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: AP

Sam Johnson không sẵn lòng để quá khứ ngủ yên nhưng McCain thì muốn vạch ra một ranh giới sau mối quan hệ bi kịch của Mỹ với Việt Nam để bắt đầu một trang mới.

Ông ủng hộ đường hướng của chính quyền Bush năm 1991, khi Washington và Hà Nội nhất trí một "lộ trình" chi tiết nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện.

Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với Mỹ để tìm kiếm những binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Đổi lại, người Mỹ nói họ sẽ dỡ bỏ cấm vận thương mại nhằm vào Việt Nam và mở đại sứ quán.

Khác với Johnson, McCain tin tưởng thiện ý của người Việt Nam. Ông từng có cơ hội gặp gỡ lãnh đạo của Việt Nam trong thời điểm ấy. "Họ không sao hiểu nổi những cáo buộc ấy, những cáo buộc rằng họ giữ người lại", McCain kể lại, "Nhiều lần họ nói với tôi: Sao chúng tôi lại giữ người cơ chứ?"

Qua thời gian, số vụ MIA chưa được xử lý giảm bớt một cách rõ rệt. Người Việt hỗ trợ các nhóm từ Bộ Quốc phòng Mỹ khai quật những ngôi mộ và lần theo dấu vết từng chiếc dù.

Bản báo cáo của Ủy ban Đặc biệt Mỹ, công bố ngày 13/1/1993, có chữ ký của mọi thành viên. Với kết quả "không có chứng cứ thuyết phục", vấn đề các tù binh mất tích được loại khỏi các cuộc tranh luận chính trị chính thống.

Ủy ban hoàn thành nhiệm vụ của mình ngay khi Bill Clinton lên nắm quyền. Bước đi tiếp theo là dỡ bỏ cấm vận, dẫn tới quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 11/6/1993, 2 thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry hối thúc Tổng thống Mỹ khi ấy Bill Clinton dỡ bỏ cấm vận bằng những lý do về kinh tế và địa chính trị, đồng thời nhấn mạnh tới danh dự quốc gia, bởi người Việt đã tận tâm làm tất cả những gì người Mỹ đề nghị về vấn đề MIA.

John McCain: Người gọi Biển Đông là East Sea và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh 6.

Khi McCain quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1985, ấn tượng của ông về chốn này là một "nơi buồn tẻ". Dường như ai cũng vận những bộ đồ tối màu và không có mấy xe cộ trên đường phố.

Thế nhưng trong chuyến thăm năm 1991, ông đã thấy dấu hiệu của sự đổi thay. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức gần 9%/năm, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới ở thời điểm đó. Tới năm 1994, Mỹ đứng thứ 14 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một năm sau đó, Mỹ nhảy lên hạng 6.

John McCain: Người gọi Biển Đông là East Sea và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh 7.

Ông John McCain thăm Hà Nội năm 1985. Ảnh: Getty Images

Nỗ lực của McCain đã được đền đáp. Ngày 11/7/1995, Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ. Và biểu tượng thuyết phục nhất của kỷ nguyên mới là diện mạo của Hanoi Hilton.

Nơi từng là trại giam nổi tiếng ấy đã trở thành một địa chỉ tham quan, một phần còn trở thành khách sạn. Nói về sự đổi thay này, McCain hóm hỉnh chia sẻ: Khi tôi nhìn thấy nơi ấy, họ đã hỏi tôi nghĩ gì. Tôi nói, "Hy vọng phục vụ phòng bây giờ tốt hơn hồi tôi ở".

Kể từ lần đầu tiên năm 1985, McCain thường xuyên quay trở lại thăm Hà Nội. Ông cho rằng Việt Nam sẽ là một "đồng minh an ninh" của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và ngang ngược trên biển Đông.

McCain còn sử dụng cụm từ "East Sea" ("Biển Đông" trong tiếng Anh) khi nhắc tới Biển Đông trong nhiều tuyên bố công khai, thay vì cụm từ "South China Sea" (tên gọi phổ biến của vùng biển này trong tiếng Anh).

Chẳng hạn như khi tới thăm Hà Nội vào tháng 8/2014, ông nói: "Đối với những người liên quan tới quá trình [bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ], tiến triển mà chúng ta đạt được lần này rất đáng ngạc nhiên". 

"Chúng tôi nhận thức thấy mình có thể làm được nhiều hơn nữa trong vai trò đối tác, và chúng ta cần một chương trình nghị sự quan trọng khi tiến tới năm sau, đặc biệt là trong bối cảnh các sự vụ rắc rối gần đây ở Biển Đông (East Sea). Tóm lại, giờ là lúc Việt Nam và Mỹ cùng nhau bước một bước nhảy vọt chiến lược khổng lồ. Đó là lý do vì sao chúng tôi có mặt ở đây".

Bản thân McCain là một trong 5 nghị sĩ bảo trợ cho Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ về Biển Đông, trong đó cương quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi “vùng biển Việt Nam”.

Nghị quyết đã góp thêm một tiếng nói, cùng với sự phản đối quyết liệt của ta và của dư luận thế giới trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Không lâu sau đó, Bắc Kinh đã phải rút giàn khoan.

Ngày Tổng thống Obama công du Hà Nội năm 2016, dỡ bỏ cấm vận vũ khí là một vấn đề khiến Quốc hội Mỹ xôn xao. Và lại một lần nữa John McCain đứng về phía Việt Nam. Ông nói: "Chí ít thì tôi mong họ được dỡ bỏ cấm vận vũ khí hàng hải ngay lập tức, để tạo điều kiện cho họ bảo vệ lãnh hải của mình".

Trong cuộc phỏng vấn với VOA News vào tháng 5/2016, McCain chia sẻ, ông đã trở lại Việt Nam ít nhất 20 lần - một con số khiến người ta phải băn khoăn: Điều gì đã khiến ông "ám ảnh" tới vậy? Và McCain giải thích:

"Đó là một đất nước xinh tươi, con người tốt đẹp. Một trong những thành phố duyên dáng cuối cùng còn lại trên trái đất là Hà Nội. Những hồ nước, công viên và kiến trúc Pháp rất đáng yêu. Người Việt rất tốt. Họ rất nồng hậu".

"Có những chuyện từng xảy ra trong quá khứ nhưng điều đó không thay đổi quan điểm của tôi rằng người Việt rất tuyệt vời và là những người bạn vô cùng đáng mến".

Hà Nội giờ đây vẫn vậy, vẫn đẹp đẽ như trong tâm tưởng của John McCain. Vết thương tưởng chừng không thể chữa lành của hơn 60 năm về trước đã dần khép miệng. Hận thù cay đắng giờ nhường chỗ cho tình thân ái. Người Việt và người Mỹ đã đi qua quá khứ, cùng bắt tay nhau hướng tới tương lai.

Nhưng hiện tại này sẽ không bao giờ thành sự thực nếu thiếu đi đóng góp không hề nhỏ của Thượng nghị sĩ - cựu binh John McCain, người đã dành không biết bao nhiêu tháng năm trong cuộc đời, từ lúc giã từ vũ khí cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, để biến cựu thù thành bằng hữu.

John McCain: Người gọi Biển Đông là East Sea và ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh 9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại