Cưới vợ rước nợ vào người: Bi kịch của trai nghèo Trung Quốc

Cao Tùng |

Nhiều gia đình không thể tưởng tượng được rằng, ngay cả khi những đứa cháu nội đã lớn, họ vẫn chưa thể trả hết món nợ ngày nào vay cho bố mẹ chúng tổ chức đám cưới.

Nợ nần chồng chất để cưới được vợ

Tại xã Thảo Than, huyện Khang Lạc, tỉnh Cam Túc, hủ tục thách cưới trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình có con trai. Gia đình ông Trương không phải ngoại lệ. Để lo cho cuộc hôn nhân của con trai, vợ chồng ông đã tiêu tốn toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong đời.

Theo đó, ông Trương phải trả cho nhà gái số tiền hồi môn là 110 nghìn NDT (khoảng 385 triệu đồng), chưa kể các chi phí khác để tổ chức một đám cưới xa hoa theo yêu cầu của nhà gái.

Tuy nhiên, ông Trương vẫn cảm thấy may mắn vì số tiền đó thấp hơn nhiều so với giá mặt bằng chung. "Nhà gái vùng này đòi sính lễ rất cao, thông thường mức giá hồi môn mà nhà gái đưa ra thấp nhất cũng phải 170 nghìn NDT", ông Trương cho biết.

Tại nhiều xã ở Cam Túc, chi phí kết hôn liên tục tăng những năm gần đây, chủ yếu là do giá hồi môn nhà gái yêu cầu tăng. Cụ thể, giá hồi môn đã tăng từ 10 nghìn NDT vào năm 2004 lên đến 200 nghìn NDT vào năm 2015.

Trong khi đó, thu nhập bình quân của xã Thảo Than năm 2015 chỉ là 5.524 NDT. Như vậy, tính ra chi phí cho một cuộc hôn nhân bằng thu nhập trung bình của một gia đình ba lao động tích góp trong 10 năm.

Thậm chí có trường hợp, nhà gái yêu cầu nhà trai trước khi tổ chức hôn lễ phải có nhà xe đầy đủ, kèm theo khoản tiền sính lễ 70 – 80 nghìn NDT.

Tại khu tự trị Ninh Hạ, thanh niên ở đây muốn kết hôn cũng phải chuẩn bị trước ít nhất 100 nghìn NDT. Cộng thêm việc tổ chức tiệc cưới, tổng chi phí kết hôn mà nhà trai phải tiêu tốn chắc chắn còn lớn hơn con số đó.

Để có tiền cho con trai cưới vợ, nhiều gia đình đã phải đi vay nặng lãi. Số tiền vay nhiều đến nỗi, cháu nội đã lớn nhưng gia đình vẫn chưa trả hết nợ.

Cưới vợ rước nợ vào người: Bi kịch của trai nghèo Trung Quốc - Ảnh 1.

 Để có tiền cho con trai cưới vợ, nhiều gia đình đã phải đi vay nặng lãi.

Căn nguyên khiến giá hồi môn "trên trời"

Báo thanh niên (Trung Quốc) dẫn lời ông Trương đưa ra quan điểm, giá hồi môn ở xã Thảo Than tăng cao một phần vì địa phương này ngày càng có nhiều nhà giàu.

"Vài năm trở lại đây một bộ phận người dân đi lên thành phố làm ăn nên kiếm được nhiều tiền và trở nên giàu có. Sau đó, họ lại quay về quê tìm vợ.

Họ sẵn sàng trả mức giá cao, có thể là 150 nghìn NDT, 200 nghìn NDT hoặc nhiều hơn. Điều này làm tăng chi phí kết hôn và gia đình khác không có lựa chọn nào khác, ngoài làm theo", ông Trương phân tích.

Tại Trung Quốc, nhà gái rất quan tâm thực lực kinh tế của nhà trai. Thông thường, cha mẹ sẽ tìm cho con gái một người chồng có công việc với thu nhập ổn định.

Trường hợp con rể sắp cưới không có việc làm ổn định, nhà gái sẽ yêu cầu sính lễ đắt tiền, họ xem đó như một sự đảm bảo cho cuộc sống của con gái sau hôn nhân.

Cưới vợ rước nợ vào người: Bi kịch của trai nghèo Trung Quốc - Ảnh 2.

 Nghi lễ rước dâu trong đám cưới ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sự mất cân bằng giới tính cũng là nguyên nhân khiến giá hồi môn tăng cao. Theo kết quả điều tra dân số của Trung Quốc, năm 2010, cứ 100 bé gái sơ sinh thì có 117,9 bé trai sinh ra.

Đặc biệt ở các vùng nông thôn lạc hậu, tỷ lệ chênh lệch nam và nữ còn cao hơn. Cá biệt có địa phương, tỷ lệ này là 2:1.

Sự mất cân bằng về giới tính chủ yếu xảy ra ở các vùng nông thôn nghèo một phần vì phụ nữ địa phương muốn lấy chồng ở những vùng phát triển hơn để thay đổi số phận, một phần vì tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn sinh con trai để nối dõi.

Chính quyền địa phương bất lực

Hủ tục thách cưới khiến cho nhiều hộ dân lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần và cuối cùng là tái nghèo, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Trung Quốc.

Trên thực tế, nhiều hộ gia đình mặc dù thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng vẫn tìm mọi cách chạy vạy tiền cưới xin cho con khiến họ lâm vào cảnh nợ nần không lốt thoát.

Trong một nỗ lực nhằm kìm chế chi phí kết hôn leo thang, năm ngoái giới chức các địa phương đã đồng loạt ra bản kiến nghị, kêu gọi người dân giảm bớt những món quà đính ước "cắt cổ" và lễ cưới xa hoa nhưng động thái đó dường như không hiệu quả vì không có tính ràng buộc.

Ông Kim Bảo, cán bộ Đoàn thanh niên Trung Quốc cho rằng: "Rất khó kiểm soát việc nhà gái yêu cầu sinh lễ ra sao vì đó là việc riêng của gia đình hai bên. Về lý mà nói, cán bộ xã không có quyền can thiệp".

Việc tăng chi phí kết hôn ở vùng nông thôn khiến Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề xã hội khó kiểm soát như tảo hôn, mại dâm hay buôn bán người qua biên giới.

Đáng nói, những vấn đề xã hội này ảnh hưởng đến cả những quốc gia khác. Nhiều năm trở lại đây, đàn ông nghèo Trung Quốc không lấy được vợ đã sang các nước láng giềng như Nga, các quốc gia Tây Á và Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam để kiếm vợ.

Những cuộc hôn nhân bất hợp pháp đó thường không chắc chắn và để lại những hệ lụy khôn lường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại